Trước áp lực của việc học hành thi cử, không ít bậc phụ huynh đã thuê gia sư về nhà kèm cặp thêm cho con ít để ý đến những mối nguy tiềm ẩn với con.
Do con có lực học tốt nên gia đình chị Lại Thị Hoa (Từ Liêm, Hà Nội) đặt mục tiêu cho con thi vào trường chuyên cấp III. Khi con lên lớp 8, chị Hoa thuê gia sư kèm cặp để mong con đạt được mục tiêu. Vì con là con trai, yêu cầu tìm kiếm gia sư của chị Hoa là gia sư dạy con phải là nam giới.
Ngày đầu đến nhà, gia sư đưa cho chị Hoa xem căn cước công dân và tấm thẻ sinh viên một trường sư phạm nên chị Hoa yên tâm giao phó con cho gia sư. Tuy nhiên, học được 2 buổi thì con nói là không thích học thầy đó nữa, vì thầy cứ hay đụng chạm vào người con.
Nghe con nói, chị Hoa gạt ngay đi vì cho rằng thầy trò ngồi học với nhau thì tránh sao khỏi đụng chạm, và thầy trò cùng giới thì lo gì. Đến khi con cho xem ảnh thầy trò chụp với nhau thì chị Hoa mới giật mình.
“Cũng may là con tôi tìm mọi cách chứng minh cho mẹ thấy thầy có những biểu hiện bất bình thường về giới tính nên tôi kịp thời cho thầy nghỉ, chứ nếu cháu cứ âm thầm chịu đựng thì không biết chuyện xấu gì sẽ xảy ra”, chị Hoa cho biết.
Các chuyên gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho rằng các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi thuê gia sư về dạy kèm cho con. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)
Còn chị Đặng Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) lại có bất ngờ khác. Khi con học gia sư được một thời gian thì kết quả học tập của con lại kém đi. Chị Trang chia sẻ: “Cuối năm học lớp 7, điểm Toán của con tôi thấp hơn những năm trước nên đầu năm lớp 8 tôi tìm gia sư Toán cho con. Hôm gia sư đến nhà có cho tôi xem chứng minh thư nhưng bảo để quên thẻ sinh viên ở nhà, buổi học sau sẽ mang đến (gia sư tự giới thiệu là sinh viên trường Sư phạm 1 Hà Nội). Sau đó, tôi bận quá cũng quên luôn việc kiểm tra thẻ sinh viên. Vì học ở trường buổi sáng nên con học gia sư ở nhà vào buổi chiều thứ ba và thứ năm, khi đó cũng không có bố mẹ ở nhà nên bố mẹ và gia sư hầu như không gặp nhau. Tôi thấy con cứ học hành đều đặn mà không kêu ca gì nên tôi cũng không hỏi con là thầy dạy có tốt không. Tôi cứ tin tưởng thầy trò cho đến khi đi họp phụ huynh cho con tôi mới ngã ngửa vì môn Toán con không những không tiến bộ mà còn sút kém đi. Khi tôi gặng hỏi thì cậu gia sư mới thú nhận, cậu ấy không phải là sinh viên sư phạm mà là sinh viên trường cao đẳng nghề Bách Khoa”.
Bố mẹ phải kiểm tra thông tin chéo
PGS.TS. Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, khi tìm gia sư cho con, không ít phụ huynh chỉ dựa vào thông tin một chiều mà gia sư cung cấp, thậm chí có phụ huynh bận rộn còn không gặp mặt trực tiếp gia sư mà chỉ trao đổi qua điện thoại rồi giao phó con cho họ.
“Phụ huynh nên có buổi gặp mặt trực tiếp để trao đổi với gia sư về quan điểm, phương pháp dạy học, thống nhất về thời gian và không gian học của thầy trò. Phụ huynh không nên cho con học với gia sư ở phòng riêng của trẻ, cũng không nên cho con học với gia sư khi không có người lớn ở nhà giám sát. Trong buổi gặp mặt trực tiếp, phụ huynh không những kiểm tra được những giấy tờ cần thiết của người sẽ dạy con mình mà còn có những cảm nhận, đánh giá ban đầu về người dạy, cả về trình độ, quan điểm, cách ứng xử trong cuộc sống. Không những thế, phụ huynh còn phải kiểm định thông tin qua nhiều kênh, qua bạn bè, thầy cô, học sinh cũ của gia sư… Trong quá trình con học, bố mẹ theo dõi sự tiến bộ của con qua thầy cô bộ môn ở trường cũng như luôn để ý xem con có những biểu hiện gì khác lạ hay không, nếu có dù chỉ là một thay đổi nhỏ cũng phải lập tức tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra giải pháp, đảm bảo việc học cũng như sự an toàn của con được tốt nhất” - ông Nam tư vấn.
Bà Nguyễn Thị An, chuyên gia bảo vệ trẻ em nhận xét, gia sư ở nước ta hầu như không bị quản lý nên đây là một kênh thuận lợi cho những kẻ có ý đồ xấu. Rồi khi có chuyện gì xảy ra với con, nếu chỉ dừng ở quấy rối tình dục thì gia đình thường cho gia sư nghỉ chứ không trình báo công an, điều này tạo điều kiện cho kẻ quấy rối lại có cơ hội với những trẻ em khác, rất nguy hiểm. Thực tế có những gia sư có ý đồ xấu với trẻ thường tạo một vỏ bọc để bố mẹ tin tưởng nên khi trẻ có điều gì nghi ngờ nói với bố mẹ, bố mẹ lại gạt đi vì cho rằng con lười học, không muốn học thêm.
“Bố mẹ là người trẻ đặt niềm tin nhiều nhất, nếu chúng ta quay lưng thì tổn thương về mặt tâm lý với trẻ là rất lớn. Vì thế, khi con có vấn đề gì phản ánh thì bố mẹ tuyệt đối không được bỏ qua”, bà An tư vấn.
Cô H (giáo viên trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, nếu có nhu cầu kèm cặp cho con, bố mẹ nên nhờ giáo viên ở trường sẽ đáng tin và hiệu quả hơn nhiều bởi họ là người hiểu được lực học của con, chuyên môn đã được kiểm định và chịu sự giám sát của nhà trường. Còn trong trường hợp bố mẹ vẫn muốn tìm gia sư cho con, ngoài việc làm các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho con thì bố mẹ cũng phải phối hợp với thầy cô bộ môn ở trường để theo dõi sự tiến bộ của con mới biết gia sư dạy có hiệu quả hay không.
Cần trung tâm quản lý gia sư
Theo PGS.TS Trần Thành Nam ở nước ta, gia sư hầu như không bị quản lý. “Khi tôi ở nước ngoài, những người tiếp xúc với đối tượng yếu thế, như trẻ em thường bị kiểm tra lý lịch tư pháp, kiểm tra kỹ về năng lực, trình độ xem có đáp ứng yêu cầu công việc hay không. Tôi học về ngành tâm lý, khi đến trường làm việc với học sinh phải tới cảnh sát lấy dấu vân tay để biết có tiền án, tiền sử gì không, có nguy cơ gì với trẻ, ví dụ trước đây có bị bạo hảnh, bị tổn thương gì không? Đồng thời phải nộp đủ mọi văn bằng, chứng chỉ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, về kỹ năng sư phạm, về sự hiểu biết tâm lý trẻ... Giáo viên khi tiếp xúc riêng với học sinh, sinh viên phải tiếp ở không gian chung hoặc tiếp ở phòng riêng thì cửa phòng phải mở. Việc này bảo vệ cho cả học sinh và chính người thầy”.
Ông Nam cho rằng, đội ngũ gia sư bắt buộc phải thuộc về một trung tâm quản lý. Trung tâm này phải đảm bảo những người đi dạy gia sư có lý lịch tư pháp sạch sẽ, có những chứng chỉ bắt buộc để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất. Nếu có việc gì xảy ra thì có trách nhiệm của các bên, trong đó có cả trung tâm quản lý, giới thiệu gia sư. Việc đảm bảo chất lượng của trung tâm gia sư phải được chính thức hóa, được pháp luật quy định, chứ không chỉ là thỏa thuận cá nhân.
Bà Nguyễn Thị An cũng đồng tình với ý kiến này và bổ sung thêm, trung tâm quản lý gia sư phải đề ra quy tắc ứng xử những điều gia sư được làm và không được làm với các điều khoản rõ ràng và bị xử phạt nếu vi phạm. Bộ quy tắc ứng xử cần công khai và được ký kết giữa các bên gồm: bố mẹ, trẻ, gia sư và trung tâm để mọi người cùng giám sát. Bộ quy tắc này sẽ là cảnh báo ban đầu cho những kẻ có ý định xấu./.
Theo Minh Thư/VOV.VN