Cập nhật: 06/11/2019 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Liên quan tới lô nhôm 4,3 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt chờ xuất Mỹ bị phát hiện mới đây, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nếu để các nước bên cạnh, các nước hàng xóm lợi dụng thì chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều”.

Mới đây, Tổng cục Hải quan công bố thông tin lô nhôm 4,3 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc “đội lốt” thương hiệu Việt chờ xuất Mỹ bị phát hiện. Đây được cho là một trong những vụ gian lận thương mại lớn nhất từ trước tới nay.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/11, trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra sự việc vi phạm và hướng xử lý lô nhôm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đưa ra một số thông tin liên quan.

Ông Cao Quốc Hưng cho hay: Cuối năm 2016, qua theo dõi truyền thông nước ngoài, Bộ Công Thương nắm được thông tin về việc có một lượng lớn nhôm nhập khẩu về Việt Nam, tập kết tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương (ảnh: Mạnh Thắng)

Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, hiện tượng né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại xảy ra ngày càng nhiều và ở nhiều quốc gia, dù thông tin mới ở mức nghi vấn nhưng Bộ Công Thương vẫn chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra đề xuất về vấn đề này.

Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có đại diện của Tổng cục Hải quan để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan.

Kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trị giá tổng cộng của các lô hàng đã được cấp C/O tính đến thời điểm đó không nhiều, chỉ chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhôm của doanh nghiệp, 82% sản phẩm xuất khẩu còn lại doanh nghiệp không xin cấp C/O Việt Nam.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết lượng sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ chỉ chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu, trong đó trị giá xin cấp C/O Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%.

“Sau khi kiểm ra, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các tổ chức cấp C/O ở khu vực Vũng Tàu để hướng dẫn và yêu cầu tăng cường quản lý công tác cấp C/O cho mặt hàng nhôm.

Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát các biến động bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu nhôm, phát hiện các hành vi gian lận (nếu có) và đã nhận được sự phối hợp rất tích cực của lực lượng hải quan, không phát sinh tình huống phức tạp nào.” - ông Hưng nói.

Về việc xử lý lô nhôm, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đây là việc của doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ kiểm tra về việc này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ảnh: Mạnh Thắng)

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong vấn đề này, nếu không quản lý tốt thì đây chính là cơ sở gây thiệt hại lớn.

Quy định giá trị gia tăng là 3%, nhưng lợi dụng xuất xứ hàng hóa vấn đề rất quan trọng. Nếu để lợi dụng thương hiệu Việt để xuất khẩu sang các nước thì sau này sẽ có những sự áp thuế lên các mặt hàng của Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với các nước liên quan tới FTA, C/O còn lại giao cho VCCI.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong thời kỳ đầu chiến tranh thương mại chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu, nhưng bây giờ phải nhìn nhận lại cách quản lý và cấp C/O. Nếu chúng ta cấp C/O dễ dãi, không kiểm tra thì chúng ta phải chịu hậu quả rất lớn. 

“Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc, các cơ quan chức năng trong qúa trình kiểm tra, nhất là các cơ quan hải quan, cơ quan cửa khẩu phải có xem xét kỹ, tránh núp bóng nhà đầu tư, lợi dụng làm nhà xưởng để chuyển giao, tập kết… ” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì báo cáo với Chính phủ để ban hành Nghị quyết của Chính phủ liên quan tới các giải pháp chống gian lận thương mại. “Nếu chúng ta để các nước bên cạnh, các nước hàng xóm lợi dụng thì chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều” - Người phát ngôn Chính phủ nói rõ.

Lô nhôm 4,3 tỷ USD hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt bị phát hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Như Dân trí đã đưa tin, Tổng cục Hải quan phát hiện và ngăn chặn vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó chờ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và có thêm một vài thị trường khác. 

Đây được đánh giá là vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm.  Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác, bởi do chênh lệch thuế suất. Nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.

Trên thực tế, vụ việc sẽ không đáng nói nếu doanh nghiệp nhập các loại nhôm nguyên liệu để sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất đi các nước, khi ấy chứng nhận xuất xứ C/O sẽ không là vấn đề bàn cãi. Tuy nhiên, một lượng lớn nhôm được nhập về Việt Nam có giá trị rất lớn hơn 4,3 tỷ USD là nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm. Vì vậy, hải quan Việt Nam đã từ chối cấp chứng nhận C/O cho toàn bộ lô hàng và sau gần 3 năm, số hàng trên vẫn nằm ở kho ngoại quan.

Được biết, sau khi bị phát hiện nhập các loại nhôm thành phẩm về Việt Nam xuất đi Mỹ bị phát giác, doanh nghiệp nhập khẩu và nhiều đơn vị nhập về đã có đề xuất chuyển sang làm các thủ tục để nhập về Việt Nam nhằm tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, không được chấp thuận. Số nhôm trên vẫn nằm tại kho ngoại quan và chờ hướng xử lý.

Mới đây, đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để điều tra vụ việc nhằm không để số nhôm nói trên tẩu tán đi nước thứ 3 và xuất vào Mỹ.

Theo Châu Như Quỳnh/ dantri.com.vn

Tệp đính kèm