Thường một người bị bệnh thận hay tim phù cả 2 tay, 2 chân nhưng trong thực tế tôi có người nhà bị phù 1 tay và đi khám ở nhiều nơi vẫn không biết bị bệnh gì. Xin cho biết cơ chế bị phù trong trường hợp này?
(Trần Kim Ngân - Bến Tre)
Thường khi nói đến phù là ngụ ý chỉ đến thể phù toàn thân (phù đều), chẳng hạn như bệnh nhân bị phù cả 2 chân hoặc phù cả mặt, cả 2 tay… trong thực tế có nhiều người chỉ phù 1 bàn tay hoặc bị phù từ giữa cẳng tay trở xuống, dai dẳng và khó chữa. Đối với phù đều nguyên nhân hay gặp là do thận, tim, gan, dinh dưỡng, thuốc,… Đối với phù chỉ 1 bàn tay việc tìm ra nguyên nhân chính xác rất nan giải vì rất cần thiết để chúng ta điều trị bệnh theo nguyên nhân.
Phù là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau và nó cũng là triệu chứng không đặc hiệu của nhiều bệnh. Riêng chứng phù đơn độc 1 bàn tay ít khi nào là vấn đề quan trọng trên lâm sàng và không hề gây nguy hiểm.
Phù là sự tích tụ dịch trong mô và nó liên quan đến 2 lực duy trì tình trạng bình thường (không phù): áp lực keo và áp lực thủy tĩnh. Bình thường dịch trong mạch máu khó thoát ra khỏi thành mạch (bởi màng nội mô mạch máu) bởi áp lực keo có xu hướng giữ nước trong lòng mạch (khi bệnh nhân bị giảm chất đạm trong máu áp lực này sẽ giảm và gây phù nhưng là phù toàn thể) và áp lực thủy tĩnh có nhiệm vụ đẩy dịch ra khỏi lòng mạch (khi tăng áp lực lòng mạch do ứ đọng máu vì lý do nào đó sẽ gây phù).
Bình thường giữa các tế bào nội mô mạch máu tồn tại những khoảng hở và nước vẫn thoát ra ngoài với một lượng nhất định, nước này nằm ở gian bào giúp cho quá trình trao đổi chất giữa tế bào với bên ngoài. Tuy nhiên, lượng nước này không gây tích tụ (phù) do nó được dẫn lưu đi khỏi gian mô bằng hệ mạch bạch huyết. Trong trường hợp sự dẫn lưu này bị đình trệ dù hệ thống mạch máu có bình thường vẫn gây phù, thể này hay gặp trong các trường hợp phù khu trú.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ
Theo suckhoedoisong.vn