Cập nhật: 16/11/2019 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2019, xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn, trị giá 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân sụt giảm giá trị là do giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Lotus (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TUẤN ANH

Giá giảm ở nhiều thị trường

Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân chín tháng năm 2019 của Việt Nam chỉ ở mức 435,6 USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng trong tháng 9-2019, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 330 USD/tấn xuống còn 325 USD/tấn. Trong khi đó, cùng phân khúc này, gạo Ấn Ðộ tăng từ 366 đến 374 USD/tấn lên 373 đến 379 USD/tấn; gạo Thái-lan ở mức 400 đến 418 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu giảm cũng kéo theo giá lúa gạo trong nước hầu như giảm trong suốt chín tháng đầu năm. Gần nhất là tháng 9-2019, lúa IR50404 tại An Giang giảm từ 4.750 đồng/kg (mức cao nhất trong chín tháng) xuống 4.000 đồng/kg; tại Vĩnh Long giảm từ 4.800 đồng/kg xuống còn 4.200 đồng/kg. Lúa chất lượng cao tại Bạc Liêu giảm từ 5.000 đến 5.400 đồng/kg xuống còn 5.000 đến 5.300 đồng/kg...

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do gạo Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Ðộ, Thái-lan. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia truyền thống đều giảm, đặc biệt xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh cả về số lượng và giá trị do Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại, đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các quy định kỹ thuật khác như tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng…

Một nguyên nhân khác dẫn đến kim ngạch xuất khẩu gạo sụt giảm là do chủng loại xuất khẩu vẫn chủ yếu là gạo trắng với giá trị xuất khẩu chiếm 47,1% tổng kim ngạch. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Phi-li-pin (51,0%), Ma-lai-xi-a (12,0%) và Cu-ba (11,8%) đều có mức giá gạo khá thấp. Còn gạo jasmine và gạo thơm hiện chiếm 39,5% tổng kim ngạch; gạo nếp chiếm 7,3%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 5,8%.

Tăng giá trị bằng cách nâng cao chất lượng

Dự báo những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu cũng chưa có nhiều biến động nên khó hy vọng ngành xuất khẩu gạo của nước ta có sự tăng tốc hay bứt phá lớn. Trước thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa nhận định: Thị trường xuất khẩu gạo cuối năm chưa có dấu hiệu tăng trưởng. Tuy nhiên, với việc hoàn tất đàm phán hạn ngạch nhập khẩu gạo vào Hàn Quốc; thị trường In-đô-nê-xi-a nhập khẩu gạo lại do lượng gạo dự trữ đủ tiêu dùng trong những tháng đầu năm đã hết; việc mở rộng khai thác vào các thị trường mới và gấp rút hoàn tất thủ tục cấp mã số cho các doanh nghiệp đã được phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, thì khả năng xuất khẩu gạo cuối năm vẫn đạt mức 6,5 triệu tấn. Song để bảo đảm giá trị lâu dài, kim ngạch bền vững thì phải tìm cách tăng chất lượng gạo xuất khẩu. Theo đó, phải tập trung vào các phân khúc gạo chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh khâu chế biến để tạo ra các thành phẩm từ gạo, nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo.

Xác định sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo là ngành hàng quan trọng, cần thiết phải được quan tâm hơn nữa và có định hướng phát triển dài hơi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Lúa gạo là một ngành hàng rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân khách quan là thế giới có hơn bảy tỷ người, chỉ có 3,5 tỷ người ăn gạo, nhưng dung lượng hàng hóa của gạo là 36 triệu tấn với khoảng 32 tỷ USD/năm về thương mại. Như vậy, các cường quốc đều tập trung cạnh tranh ở chuỗi giá trị này. Trước tình hình đó, để tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam, chuỗi giá trị của ngành lúa gạo phải được nâng cao lên với yêu cầu sản xuất lúa gạo không chỉ tạo ra gạo bán mà gạo phải trở thành thực phẩm, dược phẩm. Thí dụ, tập trung theo hướng tạo ra dầu cám gạo có giá trị cao hơn gạo tự nhiên. Như thời gian qua, tại Quảng Trị đã có mô hình 600 ha lúa hữu cơ, trong đó có chiết xuất một phần ra sản phẩm tinh túy dầu cám gạo để bảo đảm giá trị lớn hơn cho hạt gạo.

Như vậy, để mặt hàng gạo đạt kim ngạch xuất khẩu cao và ổn định thì một trong những điều kiện mấu chốt là phải tăng chất lượng từ việc áp dụng sản xuất giống chất lượng cao, tạo ra sản phẩm chế biến sâu để chiếm lĩnh những thị trường khó tính thay vì phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật như nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng, tem nhãn mác… Bởi lẽ, trong thời gian tới, chắc chắn đây sẽ là những quy định, yêu cầu được đưa ra đối với mặt hàng gạo xuất khẩu của rất nhiều quốc gia nhập khẩu trên thế giới, cho nên nếu chậm chân, gạo Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp khó cả về vấn đề thị trường và giá cả.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã từng đạt được mức giá lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Ðó là loại gạo Japonica (một loại gạo giống Nhật Bản) xuất khẩu vào Hàn Quốc với chất lượng cao, được canh tác và sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ xuất khẩu gạo giá cao, giá lúa japonica tăng liên tục trong nhiều vụ, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Ðiều này cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất và xuất khẩu những loại gạo chất lượng, giá cao vào nhiều thị trường khó tính trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Theo TIẾN ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm