Cập nhật: 16/11/2019 08:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, Trường đại học Nông lâm (thuộc Ðại học Thái Nguyên) nỗ lực đổi mới phương pháp nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao khoa học - công nghệ hàng đầu về nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường cho các tỉnh trung du, miền núi phía bắc. Với những đóng góp trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Trường đại học Nông lâm đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Trường đại học Nông lâm (Ðại học Thái Nguyên) đã thực hiện thành công dự án bảo tồn các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm khai thác tiềm năng mặt nước rất lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương, Trường đại học Nông lâm (ÐHNL) đã nghiên cứu, chuyển giao thành công Dự án Ứng dụng công nghệ nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Nhóm nghiên cứu và sinh viên thủy sản thu gom trai sống trong tự nhiên, phân loại, thực hiện kỹ thuật cấy nhân và thả nuôi trai tại hồ Núi Cốc. TS Lê Minh Châu, người thực hiện dự án nghiên cứu cho biết: "Dự án kết thúc cuối năm 2018, mỗi con trai thu được từ hai đến bốn viên ngọc tròn, bóng, gần như không tì vết, giá bán từ 50 đến 120 nghìn đồng/viên. Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, dự án thành công mở ra cơ hội để nông dân tiếp cận và nhân rộng, khai thác tiềm năng mặt nước, phát triển ngành nghề mới, mang lại giá trị kinh tế cao. Ðáng chú ý, quá trình thực hiện dự án, sinh viên ngành thủy sản tham gia tất cả các quy trình, không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà khi ra trường sẽ là nhân tố tích cực phát triển nuôi trai nước ngọt lấy ngọc ở các địa phương".

Cùng với dự án nêu trên, trước nguy cơ các loài hoa lan rừng quý hiếm bị tuyệt chủng, Trường ÐHNL phối hợp tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Vy Anh thực hiện Dự án Thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng để bảo tồn nguồn gien và xây dựng bảo tàng các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh. TS Vũ Văn Thông (Trường ÐHNL), người thực hiện dự án chia sẻ: "Do bị khai thác quá mức nên lan rừng rất hiếm. Vì vậy, hơn 10 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và 30 sinh viên Khoa Lâm nghiệp đã tìm kiếm, sưu tầm các loài lan trong các khu rừng trên địa bàn. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 106 loài lan rừng, sau khi phân loại, tìm hiểu đặc tính sinh học, định danh tên khoa học, tên tiếng Việt thì xác định có 24 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam. Ðến nay, 106 loài lan rừng được thuần hóa, nuôi dưỡng, nghiên cứu sâu, nhân giống phục vụ bảo tồn, khai thác phát triển nguồn gien. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, TS Phạm Quốc Chính cho biết: Việc thực hiện thành công dự án này không những có ý nghĩa về mặt bảo tồn mà còn có giá trị thiết thực trong việc khai thác nguồn gien các loài lan để phục vụ nhu cầu của xã hội, giảm áp lực đối với các loài lan trong tự nhiên.

Ðó chỉ là hai trong hàng trăm đề tài, dự án mà Trường ÐHNL đã thực hiện trong thời gian qua. Với gần 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (chiếm gần 50% số lượng cán bộ giảng dạy), Trường ÐHNL chú trọng bám sát các vấn đề lớn của vùng, nhu cầu của sản xuất, đời sống để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Bình quân mỗi năm, trường triển khai khoảng 150 đề tài từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, chuyển giao hơn 40 công nghệ cho các địa phương và doanh nghiệp; có từ 25 đến 30 bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế; nhiều sản phẩm nghiên cứu đang được áp dụng trong sản xuất trên cả nước, như: giống lúa Nông lâm 7, giống sắn KM 419, phân bón hữu cơ vi sinh, vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò... Trường coi nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là một trong các yếu tố quyết định chất lượng đào tạo và phục vụ tốt tám ngành đào tạo tiến sĩ, chín ngành đào tạo thạc sĩ và 24 ngành đào tạo đại học.

Bên cạnh đó, Trường ÐHNL còn chú trọng kiện toàn đội ngũ giảng viên về số lượng và chất lượng theo hướng chuẩn hóa, có trình độ cao và là chuyên gia trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Hằng năm, trường cử từ 250 đến 300 lượt cán bộ giảng dạy đi đào tạo và thực tập ở nước ngoài và tiếp nhận từ 200 đến 250 lượt chuyên gia đến làm việc… Cán bộ, giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hòa nhập, tích cực trên cơ sở áp dụng tối đa công nghệ thông tin, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp ngay từ năm thứ hai. Các chương trình đào tạo của trường thường xuyên được rà soát, cập nhật bổ sung theo chuẩn quốc tế và khu vực với ba chương trình đào tạo tiên tiến bằng tiếng Anh, sáu chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE)…

Ngoài ra, Trường ÐHNL hợp tác với hơn 50 cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðức, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ca-na-đa... và nhiều tổ chức quốc tế, hằng năm đưa hơn 300 sinh viên năm cuối đi thực tập nghề nghiệp tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn lực chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm với tỷ lệ gần 100% ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đến nay, Trường ÐHNL đã đào tạo gần 100 nghiên cứu sinh, hơn 3.000 học viên cao học và hơn 44.000 kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với những đóng góp trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Trường ÐHNL đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng ba, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; hai cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hai Nhà giáo Nhân dân…

BÀI VÀ ẢNH: THẾ BÌNH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm