Cổ phiếu Vingroup sáng (21/11) mất giá khá mạnh bất chấp các thông tin tích cực liên quan đến việc công bố công suất sản xuất điện thoại di động thông minh Vsmart lên tới 125 triệu máy vào 2020. Được biết, Vingroup đã hỗ trợ đáng kể đối với gia đình 39 nạn nhân thiệt mạng tại Anh.
VIC giảm giá bất chấp tin tích cực
Trước áp lực chung của thị trường, cổ phiếu VIC của Vingroup sáng (21/11) đánh mất 1.800 đồng tương ứng 1,55% còn 114.200 đồng và tiếp tục diễn biến tiêu cực trong phiên chiều trước khi đóng cửa ghi nhận mất 700 đồng tương ứng 0,6% còn 115.300 đồng/cổ phiếu.
Liên tiếp các thông tin liên quan tới Vingroup, tuy nhiên cổ phiếu vẫn giảm giá do áp lực thị trường
VIC mất giá bất chấp các thông tin khá tích cực về mặt truyền thông liên quan đến Vingroup. Mới đây, VOV cho biết, Quỹ Thiện Tâm thuộc Vingroup vừa thông qua cơ quan này gửi tiền hỗ trợ nhân đạo các gia đình có người thân thiệt mạng tại Anh ngày 23/10/2019 với số tiền hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng.
Tổng số tiền 620 triệu đồng được trao tận tay đến gia đình của 31 người quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh tử nạn trong vụ việc diễn ra tại Anh.
Trong một diễn biến có liên quan, trao đổi với PV Dân Trí sáng nay (21/11), ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) - đã hé lộ số chi phí mà các gia đình nạn nhân sẽ phải trang trải để đưa thi thể nạn nhân về quê.
“Có 2 phương án một là hỏa thiêu rồi đưa về với chi phí khoảng 41 triệu đồng/nạn nhân, hai là đưa thi thể các nạn nhân về với chi phí hơn 66 triệu đồng. Các gia đình đã thống nhất sẽ đưa thi thể các nạn nhân về quê và cũng tự lo được phần kinh phí này” - ông Cường cho biết.
Cũng liên quan đến tập đoàn Vingroup, một công bố gây bất ngờ đã được đưa ra về công suất của nhà máy Vsmart. Dù mới khởi công, nhà máy này hiện đã có thể lắp ráp được tới 34 triệu máy/năm. Đây là những con số ấn tượng của một “tân binh” trong mảng sản xuất smartphone khi so với sản lượng của Samsung là 300 triệu máy và Apple là hơn 200 triệu máy.
VN-Index gây thất vọng vì mất mốc 1.000 điểm
Trong phiên giao dịch sáng nay, dưới áp lực bán mạnh và thanh khoản suy yếu, các chỉ số lập tức diễn biến tiêu cực. VN-Index tiếp tục mất mốc 1.000 điểm, mất 6,42 điểm tương ứng 0,64% còn 994,14 điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số giảm 0,49 điểm tương ứng 0,47% còn 104,42 điểm; UPCoM-Index cũng đánh mất 0,33 điểm tương ứng 0,58% còn 56,55 điểm.
Thanh khoản lùi sâu so với những phiên trước đó. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 89,85 triệu đơn vị tương ứng 2.007,46 tỷ đồng. Trong khi đó, các con số này trên HNX là 10,83 triệu cổ phiếu tương ứng 118,72 tỷ đồng và trên UPCoM là 2,94 triệu cổ phiếu tươn gứng 46,64 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, trên toàn thị trường có đến 978 mã cổ phiếu không có giao dịch nào. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã giảm với 339 mã giảm giá, 39 mã giảm sàn so với 204 mã tăng và 29 mã tăng trần.
Thanh khoản vẫn tập trung tại ROS và FLC nhưng khối lượng khớp ở những mã này cũng đã thu hẹp với 7,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh tại ROS và 6,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh tại FLC.
Việc cổ phiếu họ Vingroup giảm giá trong phiên sáng đã gây áp lực mạnh lên chỉ số. Riêng VIC giảm đã lấy đi của chỉ số tới 1,77 điểm, VHM, VNM, VCB, MWG, MBB cũng ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường chung.
SAB, VHS, MSN, SJS tăng giá, tuy nhiên ảnh hưởng của những mã này lên VN-Index không đáng kể và không giúp “đỡ giá” chỉ số.
Thị trường chứng khoán sáng nay diễn biến tiêu cực hơn so với dự báo của giới phân tích, nhưng Công ty chứng khoán SHS kỳ vọng phiên 21/11 này VN-Index có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy trong khoảng 1.000 - 1.010 điểm nhằm ổn định cung cầu.
Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường. Nhà đầu tư ngắn hạn nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể cân nhắc giải ngân bắt đáy một phần nếu VN-Index kiểm định vùng hỗ trợ 998-1.000 điểm trong phiên tới.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán VDSC thì cho rằng, xu hướng của chỉ số VN-Index vẫn chưa thể hồi phục, hầu như các mã vốn hóa lớn đều bị bán mạnh cho thấy dòng tiền đang dần bị rút ra.
VDSC nhận định rằng, thị trường chứng khoán có thể sẽ có nhịp hồi phục trong các phiên tới nhưng thiếu sự bền vững để xác lập xu hướng mới.
Theo các chuyên gia từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chỉ số VN30 có dấu hiệu tiêu cực hơn cho thấy rủi ro ngắn hạn tiếp tục có chiều hướng tăng dần. Trong khi đó, dòng tiền đang tiếp tục dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra; tỷ trọng cổ phiếu không thay đổi cho thấy chiến lược ngắn hạn là nắm giữ tỷ trọng hiện tại.
Theo Mai Chi/dantri.com.vn