Giá thịt lợn và thực phẩm chế biến tăng cao, đây là nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,96% so với tháng 10.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh, làm cho giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng 10. Mức tăng này cũng được ghi nhận là cao nhất của tháng 11 trong chín năm trở lại đây.
Tính đến ngày 15/11, tổng số lợn tiêu hủy trên cả nước hơn 5,8 triệu con với tổng trọng lượng 335.700 tấn. Bên cạnh đó, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 9 tháng của năm nay đạt 2,5 triệu tấn, giảm 9%. Việc nguồn cung thịt lợn thiếu hụt đã làm cho giá thịt lợn tháng tăng 18,51% so với tháng trước và tác động đến CPI chung tăng 0,78%.
Bên cạnh đó, giá gas trong nước đã điều chỉnh tăng 3.500đồng/bình 12kg, tăng 0,99% so với tháng 10 tại thời điểm đầu tháng cũng, do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, cụ thể giá gas leo từ mức 427,5USD/tấn lên mức 437,5USD/tấn, tăng 10USD/tấn.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy so với tháng 10, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá. Theo đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,74%, nhóm tăng thấp nhất là văn hóa, giải trí và du lịch với 0,03%. Ngoài ra, 2 nhóm hàng giảm giá là giao thông xuống 0,73% và bưu chính viễn thông sụt 0,09%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê), CPI tháng này đã tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân 11 tháng của năm, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018 và là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Giá vàng và tỷ giá đồng loạt giảm
Chỉ số giá USD trong tháng 11 đã giảm 0,13%. Hiện lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dồi dào và đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên tỷ giá giữa VND và USD tháng này khá ổn định. Giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.227 VND/USD.
“Tại thị trường thế giới, giá USD giảm nhẹ do ảnh hưởng của căng thẳng giữa Mỹ-Trung gia tăng sau các thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể ký một dự luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Bên cạnh đó, thị trường thêm bất ổn khi Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nếu giai đoạn một của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc không được ký kết,” bà Ngọc phân tích.
Tại thị trường nội địa, giá vàng cũng biến động theo thế giới, bình quân giảm 0,63% và dao động quanh mức 4,1 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Như vậy, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11 đã tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 2,18% so với cùng kỳ, kéo theo 11 tháng tăng 1,94%.
“Bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.
Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,18%, bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,94% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định,” bà Ngọc nói.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/gia-thit-lon-leo-thang-khien-cpi-thang-11-bien-dong-tang-096/610233.vnp