Các thầy cô giáo sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và thay đổi cả bản thân mình để phù hợp với chương trình mới.
Các thầy cô giáo khối 1 đều chuẩn bị sẵn tâm lý cho một mùa Hè không nghỉ trước năm học 2020-2021, để đưa sách giáo khoa mới vào giảng dạy. Đến nay, khi chưa được cầm sách trên tay, khi mới được tập huấn sơ bộ về tổng thể chương trình phổ thông mới và điểm mới trong chương trình, nhiều thầy cô có cảm giác khá “mông lung”. Chính các thầy cô sẽ phải học chương trình mới trước khi đứng trên bục giảng để truyền đạt cho các học trò nhỏ của mình.
Sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ được đưa vào chương trình học năm 2020-2021. (Ảnh minh họa)
“Chúng tôi sẽ phải học chương trình mới trước học sinh”
Với hơn 10 năm dạy khối 1, cô giáo Khánh Linh (Hà Nội) chia sẻ, với các thầy cô, khó khăn lớn nhất là chưa được tiếp cận sách giáo khoa trong khi chương trình mới sẽ triển khai vào năm học tới. Nhưng điều này sẽ được giải quyết qua các đợt tập huấn.
“Chúng tôi tập huấn chưa được nhiều vì chưa có sách trên tay, nên Hè năm tới chúng tôi sẽ tham gia tập huấn cụ thể hơn. Chúng tôi đã được tập huấn về các môn cơ bản Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Đạo đức, theo tổng thể và nắm bắt các điểm mới của chương trình”, cô Linh cho biết.
Theo cô Linh, trong chương trình mới, học sinh tham gia nhiều hoạt động và phần trải nghiệm trong tiết học được tăng cường nhiều hơn. Các tiết học được thiết kế thêm phần khởi động đầu tiết học, để học sinh hào hứng hơn. “Là giáo viên, chúng tôi bám sát chỉ đạo của nhà trường và phòng giáo dục.
Với cá nhân tôi, tôi thấy đổi mới là hợp lý và cần thiết. Các bạn học sinh hiện nay cũng rất thông minh, khả năng phản biện rất tốt nên chương trình mới rất thích hợp. Và khi triển khai chương trình mới thì mới có thể đánh giá chính xác qua thực tiễn dạy và học”, cô Linh cho biết.
Cùng quan điểm này, nhiều giáo viên có thâm niên dạy khối 1 cũng cho rằng, việc tăng cường trải nghiệm và liên hệ thực tế của cho học sinh là điểm mới rất hay, để các con có thể bộc khả năng của mình và có thêm cơ hội trình bày ý kiến của bản thân.
Cô giáo Phan Thương (Hà Nội) chia sẻ: “Tâm lý chung của giáo viên chúng tôi cho rằng, xã hội phát triển thì chương trình phải đi theo. Phải thay đổi, vì đến năm 2020 rồi học sinh phải học những kiến thức mới thay cho những kiến thức đã không còn phù hợp. Tôi mong rằng chương trình sẽ giảm tải cho các con, vì chương trình hiện tại quá nặng. Đi học tập huấn, tôi thấy có giảm tải từ các kiến thức và nội dung của từng bài. Ví dụ như môn Toán, tôi thấy có giảm tải tương đối nhiều cho học sinh. Khi mình ốp các con thì các cũng phải theo, nhưng từ mẫu giáo lên tiểu học, nhiều bạn vẫn chưa bắt kịp nên sẽ khó khăn cho các con”.
Theo cô Thương, khi được tập huấn kỹ càng, tiếp cận sách mới các thầy cô mới “vỡ ra được”. Bởi thực tế, bước vào một cái gì mới cũng đều có những khó khăn ban đầu, các thầy cô giáo sẽ phải đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và thay đổi cả bản thân mình để phù hợp với chương trình.
Đổi mới là cần thiết?
Thực tế, nếu giáo dục không thực sự chuyển mình, không đổi mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, thì không chuẩn bị kịp cho đất nước hội nhập và phát triển, thì toàn dân tộc sẽ bị tụt hậu rất xa.
Hiện nay, mức độ và điều kiện quan tâm của xã hội với giáo dục rất lớn và trực tiếp. Không chỉ là quan tâm thường trực của ông bà cha mẹ, của toàn xã hội, mà với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông và công nghệ cao. Tất cả việc học hành của con cái đều xuất hiện trên mạng. Do vậy, những yếu tố này làm cho đổi mới giáo dục ở trong môi trường rất thuận lợi, nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Giáo dục một đứa trẻ không phải việc riêng của hệ thống giáo dục, của thầy cô mà còn của gia đình, nhà trường và xã hội.
Không như ở mẫu giáo, các bé vào lớp 1 sẽ bắt đầu học thực sự.
Chị Thùy Linh (Nam Định) có con gái vào học lớp 1 năm học tới chia sẻ, thông tin về chương trình mới chị được biết qua báo đài, truyền thông. Chị Linh mong rằng chương trình lớp 1 mới sẽ phù hợp hơn, dễ thích nghi hơn cho học sinh.
“Con tôi vào lớp 1 cùng với chương trình SGK mới luôn, nên tôi cũng không quá lo ngại. Tôi chỉ sợ các con đang học dở dang chương trình lại thay đổi thì mới khó cho các con. Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho con từ bây giờ để từ mẫu giáo quen ăn quen chơi lên học lớp 1. Vấn đề tôi quan tâm nữa là kinh tế tài chính, khi nhiều khoản cho con đi học rất tốn kém, dễ gây bức xúc cho phụ huynh”, chị Linh nói.
Đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình phổ thông mới triển khai cùng lúc 5 bộ SGK lớp 1 từ năm học 2020-2021 đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đây bước khởi đầu trên chặng đường dài đổi mới giáo dục. Các chuyên gia trong ngành nói rằng: “Chúng ta phải cần thời gian để cây trồng đâm hoa kết trái” và lần cải cách giáo dục này là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị một cách bài bản.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đổi mới mà không công khai, minh bạch, không khoa học, không đáp ứng được mong đợi của xã hội thì xã hội sẽ gây mất lòng tin. Khi đó, không có lòng tin, không có sự đồng thuận của xã hội không ai có thể triển khai được chương trình đổi mới SGK, cũng như đổi mới giáo dục nói chung./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN