Cập nhật: 15/12/2019 15:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường đã có hàng chục năm nay. Tuy nhiên, để nghề chăn nuôi rắn có những bước phát triển ổn định và bền vững thì việc chế biến các sản phẩm từ rắn, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định là bước đi cần thiết.

Xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 800 hộ chăn nuôi, chế biến rắn, trong đó chủ yếu là nuôi rắn hổ mang. Các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trung bình một năm, sản lượng rắn thương phẩm xuất bán ra thị trường của xã Vĩnh Sơn ước đạt 100 tấn; sản lượng trứng ước đạt 400.000 quả. Tổng doanh thu từ chăn nuôi, chế biến rắn của xã mỗi năm đạt gần 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi, phát triển thương hiệu làng nghề rắn Vĩnh Sơn hiện nay còn gặp một số khó khăn. Các sản phẩm chế biến từ rắn, đặc biệt là rắn Hổ mang chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế kinh tế và giá trị trong y học, sản phẩm chế biến từ rắn mới chỉ được tiêu thụ ở một số tỉnh trong nước mà chưa có thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, chăn nuôi tại các hộ gia đình không đồng đều; quy mô trang trại còn nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Chăn nuôi và chế biến rắn đang là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Vĩnh Sơn. Trong thời gian tới, xã Vĩnh Sơn tiếp tục tuyên truyền người dân ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm đa dạng các sản phẩm từ rắn; xây dựng mô hình làng nghề liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, chế biến rắn gắn với du lịch, dịch vụ và phát triển thương mại hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho làng nghề./.

Đặng Thưởng

Tệp đính kèm