Ngay trong tháng 12 này, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Các sự kiện này đánh dấu sự rút lui của Vingroup khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để dồn nguồn lực cho công nghiệp - công nghệ.
Trong một thông cáo chính thức vừa phát ra, Vingroup cho biết, ngay trong hôm nay (18/12/2019), tập đoàn này chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp – công nghệ.
Trong đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Đây được cho là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của Vingroup, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp – công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho đối tác.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang dồn tâm huyết, tập trung cho lĩnh vực công nghiệp, công nghệ
Trang thương mại điện tử Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, với sứ mệnh kiến tạo sân chơi công bằng với những tiêu chí và chuẩn mực cao về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ; góp phần thúc đẩy và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử và ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm trang này hoạt động, Vingroup đã quyết định nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “new retail” – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).
Theo đó, việc sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID không chỉ giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng mà còn tạo ra nền tảng mới, trong đó khách hàng là trọng tâm với mục tiêu dự đoán đúng nhu cầu, đáp ứng chính xác và kịp thời hơn mong muốn của khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Về VinPro, hệ thống siêu thị điện máy này được ra mắt vào tháng 3/2015, nhằm hoàn thiện khối bán lẻ của Vingroup. Tuy nhiên, với việc thay đổi chiến lược phát triển, lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của Vingroup, do đó, VinPro sẽ được giải thể trong tháng 12/2019.
Bản thông cáo của Vingroup cũng hé lộ về việc giải quyết vấn đề nhân sự. Theo đó, các cán bộ nhân viên có năng lực phù hợp và có nhu cầu cũng sẽ được giữ lại để chuyển sang làm việc tại các công ty thành viên khác trong tập đoàn.
Còn với trường hợp VinPro, tất cả các nhân viên tại đây sẽ được nhận lương tháng 13 thưởng Tết và thêm phần thưởng có ý nghĩa tri ân của Vingroup.
Trước đó, để thực hiện chiến lược tập trung vào mảng công nghiệp và công nghệ, Vingroup cũng đã ra quyết định sáp nhập Vincommerce, Vinmart và VinEco vào MasanConsumer của tập đoàn Masan.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2010, thị trường này mới dừng ở 88 tỷ USD thì đến 2017 là 130 tỷ USD và dự báo chạm ngưỡng 180 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy vậy, thị phần bán lẻ hiện đại lại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%. Qua đó cho thấy dư địa cho các nhà đầu tư đối với thị trường này là rất lớn.
Việc Vingroup rút khỏi lĩnh vực bán lẻ trực tiếp thông qua thương vụ chuyển nhượng VinMart cho Masan hay sáp nhập Adayroi vào VinID dù sao cũng đã đảm bảo mảng bán lẻ này vẫn do người Việt nắm giữ, không rơi vào tay nhà đầu tư Thái Lan hay Trung Quốc…
Theo Mai Chi/dantri.com.vn