Năm 2019, đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm đạo đức của người làm nghề giáo khiến học sinh, phụ huynh và xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với người thầy.
Trong năm 2019, một trong những vấn đề được đề cập nhiều tại các hội nghị, hội thảo của ngành Giáo dục-Đào tạo, thậm chí là ngay trong các cơ sở giáo dục đó là vấn đề đạo đức của nhà giáo, dạy và học đạo đức trong các nhà trường. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng lại làm đau đầu các nhà quản lý vì các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật liên tiếp xảy ra, khiến xã hội bức xúc, như: các vụ bạo hành học sinh, giáo viên nam quan hệ tình cảm với học sinh nữ dẫn đến có thai...
Hiệu trưởng Trường nội trú ở Thanh Sơn, Phú Thọ bị bắt vì dâm ô với nhiều học sinh nam. (Ảnh:Quân Nguyễn)
Những vụ việc này tuy không nhiều nhưng đã khiến nhiều học sinh, phụ huynh và xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với nhà giáo. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục- Đào tạo cần đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử cho giáo viên.
Vụ việc Hiệu trưởng Trường nội trú ở Thanh Sơn, Phú Thọ bị bắt vì dâm ô với nhiều học sinh nam; thầy giáo ở Gia Lai bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi hiếp dâm một học sinh xảy ra vào cuối năm 2018 chưa lắng xuống thì đầu năm 2019, xã hội lại “choáng váng” trước thông tin một thầy giáo Trường THCS Thượng Hà 2, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xâm hại học sinh nữ bán trú ngay tại trường nhiều lần dẫn đến có thai.
Đến cuối tháng 10/2019, vụ việc một giáo viên 55 tuổi của Trường THPT Sóc Sơn, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị tố có quan hệ tình dục với một nữ sinh lớp 12 từ khi em đang học lớp 10 đến mang thai tiếp tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không dừng lại ở đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh thân mật của thầy giáo này và học sinh nữ, kèm theo đó là bản “Tự nguyện yêu thầy” được cho là do chính học sinh nữ này viết. Dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng vụ việc này đã gây “sốc” với rất nhiều phụ huynh.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc, bà Nguyễn Thị Thu Nhàn, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cho rằng, đây là hành vi không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục: "Học sinh ngày nay phát triển tâm lý khác với ngày xưa, các em được va chạm với mạng xã hội nhiều và một phần nữa cũng là do gia đình mải mê làm ăn, bỏ lỏng các em thì các em cũng lơ là trong việc cảnh giác giới tính giữa nam và nữ. Trong quá trình tập huấn, học tập ở môi trường sư phạm thì người thầy phải biết chừng mực của mình ở đâu, biết giới hạn. Ở mỗi thời điểm thì chuẩn mực thì quy định về đạo đức khác nhau nhưng bao giờ người thầy cũng phải mẫu mực và mối quan hệ giữa thầy và trò thì tôi nghĩ là nó giới hạn và nên dừng ở mức độ cho phép chứ không có thể chuyển sang tình yêu được".
Bên cạnh đó, các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh hay cư xử không đúng chuẩn mực với học sinh cũng liên tục được truyền thông đăng tải, như: một cô giáo ở Trường tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng tát, đánh nhiều học sinh lớp 2 trong giờ kiểm tra; một cô giáo ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần dùng thước đánh vào người, nhéo tai, tát tai và mắng chửi các học sinh; cô giáo trường Tiểu học C xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu chấm bài xong, quăng vở học sinh xuống bục giảng rồi gọi các em lên nhặt vở... Các vụ việc này dù không phổ biến nhưng cũng làm phụ huynh học sinh và xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với nhà giáo và một số ý kiến cho rằng đạo đức nhà giáo hiện đang xuống cấp.
Phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh, cư xử không đúng mực, thậm chí vi phạm pháp luật như vừa nêu, nhiều chuyên gia cho rằng do ngành giáo dục đã bỏ qua một trong những mục tiêu giáo dục rất quan trọng trong nhà trường đó là giáo dục đạo đức. Việc đánh giá học sinh hay đánh giá năng lực giáo viên đều dựa trên điểm số của học sinh khiến không ít giáo viên buông bỏ việc rèn luyện đạo đức cho trẻ và chính họ cũng thấy không cần phải noi gương trong mọi hoạt động giáo dục như trước đây.
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục nêu quan điểm: "Vì xã hội quan tâm đến quyền lợi, nên các thầy cũng quan tâm đến quyền lợi rất nhiều. Thay vì nghĩ đến các giá trị giáo dục cho học sinh như ngày xưa, thì các thầy lại quan tâm đến việc làm thế nào để lấy được nhiều quyền lợi cho mình. Chính các thầy cũng suy nghĩ là nhà giáo cũng chỉ là một công việc vậy thì tại sao chúng tôi lại phải vất vả lo cho hình ảnh của mình. Họ nghĩ rằng là việc mà họ phải noi gương là một sự thiệt thòi và họ không muốn sự thiệt thòi đó nữa, họ muốn được cư xử như tất cả những người làm công việc khác và họ không để ý đến chuyện điều đó ảnh hưởng như thế nào đến học sinh".
Sau khi các vụ việc vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật của giáo viên, hoặc hành vi cư xử không đúng mực giữa giáo viên với học sinh xảy ra liên tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các công văn yêu cầu các Sở Giáo dục- Đào tạo đôn đốc các cơ sở giáo dục thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, đa số các thầy giáo, cô giáo hiện vẫn thực hiện nghiêm quy định của ngành về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ thầy giáo, cô giáo chưa thực sự nghiêm túc trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cũng như thực hiện đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
"Công đoàn giáo dục Việt Nam đã ban hành kế hoạch trang bị kiến thức kỹ năng cho giáo viên, trong các mối quan hệ ứng xử trong nhà trường, gồm có ứng xử giữa giáo viên với lãnh đạo, giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh học sinh. Thứ 2 là chúng tôi cũng hỗ trợ cho giáo viên những biện pháp kỷ luật tích cực, giúp cho giáo viên có thể quản lý lớp học một cách đúng quy định của ngành, đồng thời cũng giữ được quan hệ thầy trò một cách trong sáng lành mạnh", ông Đức nói.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trường khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các quy định về quy tắc đạo đức giáo viên, gần đây đã ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên nhưng các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, hoặc có hành vi ứng xử chưa đúng mực trong môi trường sư phạm vẫn diễn ra. Vì vậy, cần phải xử lý từ gốc vấn đề đó là đưa nội dung về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo vào chương trình đào tạo của trường sư phạm cũng như đào tạo thường xuyên cho giáo viên.
"Tôi nghĩ rằng, trong các chương trình đào tạo giáo viên sắp tới cần có những chuyên đề hay những học phần về đạo đức nghề nghiệp giáo viên, để biết được những quy tắc, những quy định, chuẩn mực biết được thông tin về văn bản chính sách. Nhưng mà điều đó chưa đủ, bên cạnh cần phải triển khai môn đó dưới dạng là nhấn mạnh về phía đào tạo kỹ năng, tức là những tình huống, những trải nghiệm, suy nghĩ, hay phân tích của các sinh viên đó, các thầy cô giáo tương lai trên cơ sở những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta phải có những học phần bồi dưỡng cho giáo viên để người ta chuẩn bị được tâm thế", ông Nguyễn Chí Thành nói.
Nhà giáo là một nghề rất đặc thù đó là dạy người, nên các giáo viên cũng phải là những tấm gương, không chỉ về kiến thức mà còn là tấm gương về đạo đức, ứng xử văn hóa, nhân cách sống. Vì vậy, trong quá trình làm việc (là dạy học), giáo viên cần thực sự nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cũng như thực hiện đạo đức nghề nghiệp, bởi tất cả những ứng xử của giáo viên với học sinh, với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh sẽ là những hình ảnh để lại dấu ấn rất quan trọng trong học sinh, có thể tác động thay đổi nhân cách của trẻ.
Mặc dù việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân để trở thành tấm gương đạo đức, nhân cách sống, hay việc giáo dục đạo đức cho học sinh không phải là nhiệm vụ mà giáo viên được trả lương nhưng đó là việc nên làm để giáo dục toàn diện cho học sinh; đồng thời để giảm đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật xảy ra như thời gian.
Theo Minh Hường/VOV.VN