Bộ Tài chính đang trình lấy ý kiến dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn. Theo đó, nhiều mức phạt vi phạm được thay đổi, có một số tăng lên và gắn trách nhiệm người nộp thuế với nghĩa vụ nộp thuế của Nhà nước.
Cụ thể, các vi phạm hành chính về hoá đơn sẽ chịu mức phạt từ 50 đến 100 triệu đồng. Đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế, mức phạt cao nhất theo đề xuất của Bộ Tài chính là 200 triệu đồng cho tổ chức vi phạm; 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.
Bộ Tài chính muốn tăng mức xử phạt các vụ vi phạm nghĩa vụ thuế của cá nhân, tổ chức
Đặc biệt, đối với hành vi trốn nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính đề xuất phạt bằng từ 1 đến 3 lần số tiền thuế mà cá nhân, doanh nghiệp trốn nghĩa vụ.
Ngoài ra, cơ quan này còn đề xuất đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng. Đình chỉ tự in, đặt in hóa đơn từ 01 tháng đến 03 tháng và đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng.
Đáng chú ý trong xử phạt hành vi sai phạm liên quan đến thời hạn nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất phạt từ 2 đến 5 triệu đồng nếu nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 đến 30 ngày.
Phạt từ 5 đến 8 triệu đồng nếu quá 30 đến 60 ngày, 8 đến 15 triệu đồng nếu quá từ 60 ngày trở lên. Phạt đến 25 triệu đồng nếu nộp hồ sơ khai thuế muộn 90 ngày trở lên.
Hành vi được xem là trốn thuế bị phạt mức cao nhất 3 lần số tiền thuế phải nộp do Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Bên cạnh đó, người bán hàng không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo…
Theo Bộ Tài chính, mức tiền phạt thấp, chưa nghiêm đối với người, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế đã khiến số vụ vi phạm về thuế, hoá đơn tăng lên trong khi đó số tiền thu về cho ngân sách thấp.
Năm 2018, cả nước có hơn 192.000 vụ vi phạm về thuế, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2014, số vụ vi phạm về hoá đơn cũng đạt hơn 45.500 vụ, tăng hơn 4 lần so với năm 2014.
Mức độ vi phạm về thuế và hoá đơn tăng cao, trong khi mức xử phạt thấp, chưa có tính răn đe, nghiêm khắc khiến cho công tác thu hồi thuế, chậm chạp.
Theo An Linh/dantri.com.vn