Cập nhật: 12/01/2020 08:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2019 là một trong ba thời điểm khó khăn nhất đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), các chỉ tiêu vận tải đều sụt giảm. Một trong những nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế để đầu tư, phát triển hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành chính là làm sao để thay đổi tư duy và nhìn nhận của xã hội.

Tàu thống nhất qua địa phận các tỉnh miền trung.

Áp lực cạnh tranh

Năm 2019, VNR đạt sản lượng hơn 8.400 tỷ đồng, doanh thu gần 8.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 9,12 triệu đồng/tháng. Có được kết quả này, lãnh đạo VNR cho rằng, các công ty cổ phần vận tải đã chủ động, tích cực tìm kiếm nguồn hàng và cho ra mắt một số sản phẩm dịch vụ mới như tàu hàng công-ten-nơ nhanh, tàu công-ten-nơ lạnh, vận chuyển hàng lẻ từ nhà đến ga, tổ chức vận tải đoàn khách theo hình thức trọn gói và theo yêu cầu, giá cước được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhu cầu vận tải và thời điểm đi tàu. Các dự án đóng mới, cải tạo nâng cấp toa xe cũng được thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng; nghiên cứu phương án thuê đầu máy, toa xe nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị vận tải. Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng duy trì và củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, các tiện ích trên tàu ngày càng đa dạng, đem lại sự hài lòng cho hành khách; phát triển thêm nhiều đại lý phân phối sản phẩm; hệ thống bán vé điện tử được bổ sung, hoàn thiện nhiều tính năng để phục vụ hành khách.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNR thừa nhận, sản lượng và doanh thu duy trì được ở mức bằng so cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch, vận tải hành khách có hệ số sử dụng chỗ thấp và giảm so cùng kỳ. Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh cho rằng, một số hệ thống văn bản dưới Luật, Nghị định chưa hoàn thiện, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý sử dụng đất chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản xuất, kinh doanh của VNR. Ngành đường sắt hiện đang gặp áp lực cạnh tranh khá gay gắt từ các loại hình vận tải khác, trong khi còn vướng nhiều cơ chế, chính sách để làm lực đẩy phát triển. Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn và trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Đó là chưa kể áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa,... trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế; vốn sự nghiệp kinh tế dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chỉ đạt 40% gây nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt,... Do ảnh hưởng của đô thị hóa, trong thời gian qua, một số địa phương đề xuất di dời ga đường sắt ra khỏi các đô thị lớn, hạn chế tải trọng xe trên các đường bộ ra vào bãi hàng làm phát sinh chi phí vận chuyển hai đầu, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải.

Đường sắt liệu có “bứt phá”?

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà, ngành đường sắt còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giữ gìn trật tự ATGT, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. “Khó khăn lớn nhất là công tác quản trị, cạnh tranh giữa các ngành, điều kiện cơ sở để phát triển còn hạn chế. Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé”, bà Phú Hà chia sẻ. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với VNR, đề ra các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và mong muốn các bộ, ngành, đơn vị, địa phương hỗ trợ Tổng công ty, sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng, có thêm các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong những năm tới.

Nhìn tổng quan, năm 2019, VNR đạt kết quả chưa như kỳ vọng. Bản thân ngành có những đặc thù, chịu thiệt thòi hơn so các lĩnh vực giao thông khác như đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không,... Trong khi đường bộ, cảng biển, hàng không,… được đầu tư lớn, hệ thống đường sắt cũ kỹ vẫn “kẽo kẹt” hàng trăm năm nay và chỉ bị cắt xén bớt đi mà không được xây dựng thêm. Vấn đề khó nhất của ngành đường sắt chính là làm sao thay đổi tư duy, nhìn nhận của xã hội về vai trò của ngành. Đầu tư cho ngành đường sắt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế cho nên chưa tương xứng. “Đặc thù đường sắt có kết cấu hạ tầng và nhà ga đều là tài sản của Nhà nước, nên Nhà nước không có vốn đã đành, doanh nghiệp kể cả có tiền cũng không có cơ chế đầu tư. Đơn cử, ga Sông Lũy, chỉ cần hơn 30 tỷ đồng để làm thêm đường sắt, kéo dài đường ga, tạo thuận lợi giúp mỗi năm tăng khoảng 200 tỷ đồng doanh thu nhưng do vướng cơ chế nên không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn”, ông Minh nêu thí dụ. Ngành đường sắt tin tưởng sẽ thay đổi được tư duy, nhìn nhận của xã hội về ngành nhưng không thể chỉ một sớm, một chiều mà cần thời gian và lộ trình tổng thể trên tinh thần đoàn kết, kiên trì tiếp tục nỗ lực hơn sẽ thành công với sự quyết tâm.

Theo kế hoạch, năm 2020, VNR sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu trên từng khu đoạn, tuyến đường theo từng thời điểm, mùa vụ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; tận dụng tối đa thời gian phong tỏa khu gian khi triển khai bốn dự án cải tạo nâng cấp nền đường ray, cầu, hầm. Ngoài ra, VNR tiếp tục nghiên cứu áp dụng một số biện pháp để giảm chi phí, hạ giá thành dịch vụ điều hành; khai thác đầu máy hiệu quả để giảm chi phí nhiên liệu, tuân thủ quy định về tác nghiệp đoàn tàu bảo đảm an toàn chạy tàu,... VNR cũng tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2017-2020 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt; nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ tại ga để tăng doanh thu; đẩy mạnh khai thác hành lý, hàng hóa nối theo tàu khách, hàng hóa liên vận; phát triển dịch vụ vận chuyển hàng lẻ, bưu kiện từ nhà đến nhà,...

Ngành đường sắt mong mỏi sẽ xây dựng hình ảnh văn minh, thân thiện hơn với hành khách đi tàu, thu hút ngày càng nhiều hơn hành khách đến với nhà ga, con tàu. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh “không cân sức” với hàng không giá rẻ về giá vé và xe khách đường cao tốc về tốc độ, sự linh hoạt, vận tải đường sắt vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, đời sống, thu nhập người lao động còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, những nhân viên đường sắt vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tận tâm phục vụ hành khách, hy vọng công sức họ bỏ ra sẽ có ngày gặt được trái ngọt. Một nhân viên trên tàu đã chia sẻ hết sức thật lòng: “Chúng tôi đặt niềm tin vào năm mới sẽ tươi sáng hơn, có nhiều hành khách hơn, thu nhập người lao động qua đó cũng sẽ cải thiện hơn”.

Theo THU TRANG/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm