Chuyên gia nhận định Trung Quốc có một lịch sử về việc không thực hiện những các cải cách đã cam kết trước đó và nhiều ý kiến cho rằng khả năng Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ là thiếu thực tế.
Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” trong ngày 15/1 (giờ địa phương), các nghiên cứu công bố mới đây cho thấy những thiệt hại mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra có thể nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn so với dự kiến trước đó.
Các nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nhà kinh tế hàng đầu khác cho thấy phần lớn các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không được dỡ bỏ theo thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1," qua đó phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực tập trung vào sức cạnh tranh của ngành chế tạo và việc làm ở Mỹ.
Theo kế hoạch, Nhà Trắng sẽ tổ chức lễ ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngày 15/1, mà Tổng thống Trump đánh giá là “một thỏa thuận thương mại lớn nhất và vĩ đại nhất” trong lịch sử. Theo đó, Trung Quốc cam kết nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm, trong đó có 80 tỷ USD hàng chế tạo, 32 tỷ USD hàng nông sản và 50 tỷ USD các mặt hàng năng lượng.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết mở cửa thị trường dịch vụ trong nước, cải thiện hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ và cấm quy định bắt buộc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy vậy, Trung Quốc có một lịch sử về việc không thực hiện những các cải cách đã được cam kết trước đó và nhiều ý kiến cho rằng khả năng Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ là thiếu thực tế.
Cuộc chiến thương mại là nguyên nhân chính khiến hoạt động chế tạo của Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sản lượng chế tạo của Mỹ đã giảm 7 tháng trong số 11 tháng của năm 2019 với mức giảm 3,3% trong quý 2/2019.
Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ quý 2/2009, khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Một nghiên cứu do Fed công bố cuối tháng 12/2019 đã phân tích ảnh hưởng của tất cả mức thuế quan áp dụng trong năm 2019 và 2019, bao gồm các mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với thép và nhôm nhập khẩu của các nước, đối với các lĩnh vực được coi là chịu nhiều ảnh hưởng nhất cũng như các lĩnh vực được hưởng lợi lớn nhất của các mức thuế trên.
Nghiên cứu trên ước tính các mức thuế quan được áp dụng đã khiến số việc làm mất đi nhiều hơn số việc làm tạo ra trong lĩnh vực chế tạo ở Mỹ trong hai năm 2018-2019.
Trong khi đó, theo nhà kinh tế thương mại Mary Lovely của Đại học Syracuse ở New York (Mỹ), việc các mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì sau khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới./.
Theo Anh Quân (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thuong-chien-mytrung-my-co-the-bi-anh-huong-lon-va-keo-dai/618672.vnp