Năm 2019, trong khi nhiều ngành hàng nông sản có giá trị xuất khẩu giảm mạnh, lâm nghiệp vẫn là ngành giữ được mức tăng trưởng tốt khi kim ngạch xuất khẩu tăng tới trên 19%, góp phần mang lại giá trị xuất khẩu cao cho toàn ngành nông nghiệp. Đây cũng là năm lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của lâm nghiệp đạt con số cao nhất từ trước tới nay với 11,2 tỷ USD.
Xuất khẩu lâm sản lần đầu tiên cán mốc 11,2 tỷ USD trong năm 2019 (Ảnh minh họa: HAWA)
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Năm 2019, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét trên các mặt. Trong đó, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 5%; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 41,85%, tăng 0,2% so với năm 2018. Trồng rừng 239.152 ha, đạt 112,6% kế hoạch năm 2019. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng từ đầu năm đạt khoảng 210.000 ha với sản lượng 19,5 triệu m3, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Nổi bật lên là giá trị xuất khẩu lâm sản. Cả năm 2019 đạt 11,2 tỷ USD (đạt 107% so với kế hoạch), tăng 19,2% so với năm 2018. Lâm sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.
Cùng với đó, cả nước thu được trên 2.800 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, góp phần bảo vệ gần 6 triệu ha rừng.
Tính đến cuối năm 2019, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269.163 ha trên địa bàn 24 tỉnh. Trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10.000 ha. Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là 42.924 ha.
Năm 2019 là năm ghi nhận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục được mở rộng với việc ký Ý định thư hợp tác về lâm nghiệp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ. Đặc biệt, thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đã khẳng định vị thế, vai trò của Lâm nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD
Bước sang năm 2020, ngành lâm nghiệp tiếp tục nhận diện những khó khăn sẽ phải đối mặt. Đó là việc đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Đặc biệt hơn khi về thị trường xuất khẩu khi hiện nay, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc (xuất khẩu vào Mỹ chiếm 50,8% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước, Trung Quốc chiếm 10,5%), trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, chưa có dấu hiệu dừng lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường đối với xuất khẩu lâm sản Việt Nam.
Năm 2020, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD; khai thác rừng trồng tập trung 20,5 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng 2.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và các lâm đặc sản khác cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu trên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngành sẽ tổ chức thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật một cách kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, điều phối thực hiện 4 kế hoạch trong đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đặc biệt chú trọng vào công tác quản lý chất lượng giống; rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống. Trong đó ưu tiên đối với các loài cây chính trồng rừng, các giống cây trồng được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, năng suất, chất lượng cao; triển khai nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết, quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng.
Đặc biệt, tổ chức triển khai tốt Hiệp định VPA/FLEGT, thể chế hóa các cam kết của Hiệp định, nâng cao năng lực cho các bên liên quan để thực thi hiệu quả Hiệp định, đặc biệt là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định cho cộng đồng các doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng rừng cũng như toàn xã hội.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng. Chú trọng công tác khuyến lâm, phát triển các nhà máy chế biến gắn với ứng dụng công nghệ mới và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm./.
Theo Bùi Thủy/dangcongsan.vn