Với những vị khách từ xa đến với vùng đất Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình, lần đầu tiên nhìn thấy những kẹp thịt chuột vừa được nướng vàng được một người dân xóm Sưng cầm từ trên núi xuống, ai cũng có đôi phần hoảng sợ. Nhưng thực ra, đó lại chính là đặc sản của người Dao Tiền ở đây.
Người dân xóm Sưng với món chuột núi nướng kẹp que tre.
Theo các cụ già trong xóm kể lại, từ xa xưa, người Dao Tiền đã có tục cúng mâm cỗ Tết bằng thịt chuột. Thủa xưa, người Dao Tiền ở trên vùng núi cao Đà Bắc, rét mướt, những khi giáp hạt rất thiếu lương thực, thực phẩm. Dân làng chia nhau vào rừng, bắn được con gì thì ăn con đó. Thú rừng thì ít và khó gặp, chỉ có chuột núi, chuột rừng là nhiều.
Khung cảnh hoang sơ của xóm Sưng lại là điều hấp dẫn du khách.
Chuột rừng khác chuột đồng hay chuột nhà ở chỗ đuôi dài, thịt thơm ngon. Dần dần người Dao coi thịt chuột rừng như một món đặc sản, và để nhớ đến con chuột đã góp phần cứu đói cho người Dao năm xưa, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh các món cúng thông thường, trên mâm cỗ của người Dao không thể thiếu được món thịt chuột.
Thịt chuột được chuẩn bị từ trước Tết một vài tháng, tầm từ tháng 11 trở đi. Người chủ nhà phải đích thân vào núi săn chuột hoặc săn ở các nương sắn, nương ngô. Bẫy chuột được làm rất công phu. Chuột săn được phải làm sạch, mổ bỏ hết nội tạng, đem thui rồi tẩm ướp gia vị, và được sấy khô trên gác bếp. Chuột khô sau này được chế biến thành các món khác nhau và thành kính dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu tiên của năm mới.
Các em nhỏ vui đùa với khách từ phương xa đến.
Hằng năm, người Dao Tiền có ba ngày lễ lớn: lễ cầu mùa vào rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và Tết Nguyên đán.
Theo tục lệ của người Dao Tiền, vào sáng mồng 2 Tết, gia chủ sẽ sắp mâm cúng, trong đó có hai con chuột khô, một chiếc bánh chưng, một chai rượu, một mảnh giấy cầu cho năm mới gia đình làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi đều bội thu, người người khỏe mạnh, làng xóm yên ổn… Trên mâm cũng sắp những món xào, nướng chế biến từ thịt chuột. Quan niệm của người Dao Tiền cho rằng, ngày Tết, gia đình ai có nhiều thịt chuột nhất trong nhà thì gia đình đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Riêng ngày Tết, không nhà nào được giết chuột, mổ thịt chuột vì như vậy là mạo phạm đến Thần Chuột. Thịt chuột vì thế phải được chuẩn bị từ trước, đó là lý do món chuột khô trở nên phổ biến ở đây. Người Dao Tiền cho rằng các ma làng và những người đã khuất chỉ chấp nhận món đặc sản thịt chuột này.
Người Dao Tiền rất tự hào giới thiệu nét đẹp của trang phục dân tộc mình tới du khách.
Xóm Sưng thuộc xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, Hòa Bình,có 73 hộ dân, xưa nay sống bằng nghề nông và khai thác lâm sản. Hai năm trở lại đây, xóm Sưng đã trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút bởi cảnh sắc hoang sơ và sự thân thiện, nhiệt tình của người dân bản địa. Vào những tuần cao điểm dịp cuối năm, mỗi tháng trung bình, xóm đón từ 13-15 đoàn khách du lịch, trong đó có tới 70% là khách nước ngoài. Chị Lý Sao Mai, điều phối viên dự án du lịch cộng đồng tại xóm Sưng cho biết hiện tại món thịt chuột đặc sản vẫn chủ yếu phục vụ cộng đồng người Dao bản địa, còn du khách nước ngoài và du khách Việt, người dân vẫn phục vụ các món ăn bình thường như gà, cá, lợn, rau củ quả địa phương…
Vùng đất ven lòng hồ sông Đà đang ngày càng trở nên hấp dẫn với những khám phá mới nơi các bản làng người Dao, Mường, Thái. Cộng đồng các dân tộc ở đây cũng đang nỗ lực để gìn giữ bản sắc văn hóa của mình, vừa để giữ cho thế hệ mai sau, cũng là tạo nét hấp dẫn để thu hút du khách đến với mình.
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn