Cập nhật: 06/02/2020 15:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhìn chung, quốc tế đánh giá về tình hình dịch bệnh Corona là khá nghiêm trọng, tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều điều không chắc chắn về quy mô và mức độ của dịch, vì vậy cần có thái độ bình tĩnh, tránh hoang mang.

Theo IMF, vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong cả năm 2020 nhưng chắc chắn là quý I sẽ giảm sút nghiêm trọng. Năm 2003, đại dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD (nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu). Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đóng góp 18% GDP toàn cầu, dịch nCoV có thể gây ra những tác động lớn hơn gấp 3-4 lần. Những ảnh hưởng đã nhìn thấy rõ nét ở một số ngành sản xuất và một số ngành dịch vụ như du lịch và khách sạn, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang bị gián đoạn.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xe hơi mới và chất bán dẫn, là quốc gia chi nhiều nhất cho du lịch quốc tế, là nhà xuất khẩu hàng may mặc và dệt may hàng đầu trên thế giới, đồng thời cũng là nơi sản xuất nhiều máy tính cá nhân (PC) và điện thoại di động trên thế giới.

Tổ chức S&P Global cho rằng dịch nCoV sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tác động giảm đối với một số ngành sản xuất và dịch vụ lớn như sản xuất dầu mỏ, hàng không… Các hãng hàng không và các nhà khai thác hàng không tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ chịu thiệt hại phụ thuộc vào quy mô và mức độ lây lan của virus nCoV ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỷ USD.

Theo Bloomberg, ảnh hưởng của dịch nCoV lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3-4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc mà Hong Kong có thể giảm tăng trưởng 1,7 điểm phần trăm, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm phần trăm, Nhật Bản 0,2% trong quý I/2020. Về phía Thái Lan, theo Phòng Thương mại Thái Lan, dịch bệnh từ nCoV là một trong các nguyên nhân sẽ kéo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2020 xuống dưới 2,5% do Thái Lan dự kiến thất thu khoảng 80-100 tỷ baht chủ yếu trong ngành du lịch và các ngành kinh tế Thái Lan phải ưu tiên các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Về tác động tới Trung quốc, một số báo cáo cho thấy dịch bệnh này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm % trong năm 2020, riêng trong quý I có thể giảm 2 điểm %. Tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Kênh tác động chính là từ gián đoạn giao thương và giảm cầu tiêu dùng trong nước (tiêu dùng đóng góp 35% GDP năm 2003 và 76% vào năm 2018). Số liệu về du lịch của Macau cho thấy số khách du lịch từ đại lục sang Macau trong những ngày đầu năm mới đã giảm 80% so với cùng kỳ.

Trong dài hạn, hiệu ứng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona vẫn chưa được đánh giá vì thiếu dữ liệu và thời gian theo dõi mô hình lây lan. IMF cho rằng thế giới cần phải đánh giá tốc độ hành động cần thiết để kiểm soát sự lây lan của virus corona cũng như hiệu quả thực sự của các biện pháp được đưa ra. IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, nhưng vẫn ở tình trạng trì trệ và các nguy cơ vẫn hiện hữu.

Trước tình trạng trên, các gói kích thích kinh tế được đưa ra. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 2/2 cho biết sẽ "bơm" 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (173 tỷ USD) vào nền kinh tế trong bối cảnh ngân hàng này muốn tăng cường hỗ trợ cuộc chiến toàn quốc chống lại chủng virus corona mới, vốn có nguy cơ tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Ủy ban Quản lý, giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho biết, “khuyến khích thông qua các hình thức hạ thấp lãi suất cho vay, hoàn thiện chính sách tiếp tục cho vay, tăng cường cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn để các doanh nghiệp liên quan chiến thắng ảnh hưởng của thảm họa dịch bệnh”.

Malaysia đang cân nhắc về việc đưa ra gói kích thích kinh tế, cũng như sẵn sàng triển khai các biện pháp đối phó.

Theo An Bình/chinhphu.vn

Tệp đính kèm