Cập nhật: 09/02/2020 09:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có lẽ, với rất nhiều người, ai đi qua tuổi thơ cũng ít nhất đã xem hoặc thả diều, nhưng để chơi được diều sáo thì đòi hỏi sự đam mê rất lớn và những hiểu biết ít nhiều về cách làm, những khái niệm vật lý, nhạc lý. Thậm chí, diều sáo đã nâng một thú vui làng quê lên thành di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Quyền chia sẻ, hướng dẫn cách làm diều, sáo diều.

Niềm đam mê đàn trời

“Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng…”. Hai câu thơ đã gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam, gợi nhớ về tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, những ngày chạy đuổi hò reo cùng con diều no gió trong một không gian yên ả, thanh bình. Thời của chúng tôi, Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn nhiều đồng ruộng, ít nhà cao tầng hơn bây giờ, chưa kể các thú chơi ngày đó cũng đơn giản. Thả diều, đánh quay, pháo đất, trốn tìm, lò cò, ô ăn quan… đã trở thành những trò chơi hằng ngày, đi theo thời cắp sách của tất cả trước khi trò chơi điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng xuất hiện.

Nhắc lại chuyện cũ không phải để tiếc nuối cái thời đã qua mà chỉ đơn giản là mỗi lần gặp lại ông Nguyễn Xuân Quyền, những kỷ niệm trong tôi lại ùa về cùng mỗi trò chơi mà nghệ nhân dân gian 81 tuổi này chia sẻ. Ở cái tuổi đó, ông Quyền vẫn làm đèn kéo quân, đèn ông sao, diều, sáo diều…, vẫn rong ruổi với chiếc Cub 81 cũ kỹ khắp các vùng miền để giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm về những trò chơi dân gian đang dần mai một, cũng như có mặt trong các dịp lễ, Tết tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội với vai trò là người hướng dẫn các em nhỏ, các bạn trẻ cách làm đèn ông sao, đèn kéo quân, làm diều, chơi các trò chơi.

Cũng vì thế mà mặc dù đã hẹn trước nhưng rồi khi tìm đến nhà tại thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, không phải lúc nào tôi cũng gặp ngay được ông Quyền. Lần gần đây nhất, hỏi người con trai của ông thì được biết, ông đang ở ngoài cánh đồng thả diều. Tôi cũng không quá bất ngờ bởi ông Quyền từ lâu đã được xem là nghệ nhân trình diễn và làm sáo diều, giành được nhiều giải thưởng trước khi ông được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú tháng 3-2019.

Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, không có nhiều người có cơ hội chơi diều sáo. Dĩ nhiên, nói đến diều sáo thì ai cũng biết đó là loại diều mà khi thả lên sẽ có thanh âm như tiếng nhạc nhờ sức gió, nhưng thực tế không nhiều người biết bộ sáo được gắn lên diều như thế nào, khi cầm bộ sáo không biết thổi vào đâu để có tiếng kêu... Vậy là trên cánh đồng thôn Đàn Viên, vừa xem ông Quyền kéo dây chỉnh diều, tôi vừa nghe ông chia sẻ rằng, diều sáo là loại diều có từ rất lâu đời của người Việt Nam, được chơi phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó những vùng diều sáo nổi tiếng là Vũ Thư (Thái Bình), Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Kinh Môn (Hải Dương) hay Bá Giang (Hà Nội)... Diều sáo có hai bộ phận chính là: Diều và sáo diều, trong đó sáo diều gồm hai thành phần là ống sáo và nắp sáo. Ống sáo thường được làm bằng ống tre nứa, mai hoặc dùng, còn nắp sáo thường được làm bằng gỗ mít.

Nghe vậy nhưng chỉ đến khi cầm chiếc diều dài 3,25 m, có hai mầu đỏ và vàng sặc sỡ được ông Quyền kéo xuống, tôi mới hiểu rõ hơn sáo diều với bảy ống sáo có độ dài khác nhau gắn trên đó. Người chơi gọi đây là bộ sáo, dàn sáo hoặc chỉ đơn giản là bộ hòa âm, bộ chuông hay còi, cồng… Theo ông Quyền, ở mỗi nơi có một cách gọi khác nhau nhưng tại Thanh Oai, các cụ hồi xưa gọi sáo diều theo tiếng kêu. Chẳng hạn như gọi là còi nếu tiếng sáo nhỏ, kêu do do gọi là sáo do do, kêu đu đu gọi là sáo đu đu, kêu vô vô gọi là sáo vô vô và kêu ìm ìm gọi là sáo ìm ìm, một loại sáo được xem là lớn nhất. Nói ngắn gọn thì diều nào, sáo nấy, diều to gắn với sáo to và diều nhỏ gắn với sáo nhỏ nhưng điểm chung là sáo cất lên nghe quyến rũ như tiếng đàn trời. Riêng về sáo có hai trường phái, giữa vùng ven sông Hồng với vùng biển. Ở vùng ven sông Hồng là đổ hồi ngắt tiếng, trong khi ở vùng biển, do tạp âm vì sóng biển, họ thường chơi sáo dàn, khoảng từ bảy sáo trở lên, tiếng sáo đồng bộ, hòa âm với nhau và lấn át tiếng sóng biển.

Cũng cần nói thêm là tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, thời trước, thông thường người ta chỉ chơi nhiều nhất là ba sáo, hay còn gọi là sáo 3, là đủ các bộ âm chính, ít khi là sáo 5 và thường là sáo 1, sáo đôi. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp có một đoạn dài mô tả buổi thả diều sáo, trong đó có những câu như: “Bố Lâm lấy ở gác bếp xuống một cái diều to bằng cái thuyền thúng bồi giấy dó, dây diều là cuộn song to bằng ngón tay trỏ của tôi. Lâm lấy cát đánh bóng ba sáo diều bằng đồng cho nó sáng tinh lên…”.

Công phu làm sáo

Thả diều phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên mà ở đây là gió. Người chơi có thể tụ tập nhau được nhưng có khi lại ngồi phơi nắng cả buổi vì không có gió. Nhiều lần ông Quyền đi tận Sơn Tây (Hà Nội), Hưng Yên giao lưu với bạn diều nhưng đến đó thì gió lặng. Nghịch cảnh khi chơi diều, là lúc tập hợp nhau được thì trời không có gió, hay lúc có gió thì lại ít người tham dự.

Làm được diều hay sáo diều không hề dễ, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm và không hiểu rõ về vật lý, khí động học, thẩm âm. Ông Quyền cho biết, để vót một bộ xương diều khoảng 2 m đã mất ít nhất một ngày công, chưa nói đến việc cân chuẩn hoàn chỉnh để khi đem dán giấy là diều có thể đâm lên được ngay. “Vậy còn việc chọn tre làm xương có dễ không?”, tôi hỏi ông Quyền. “Chọn tre thì nếu có kinh nghiệm sẽ rất dễ,” ông Quyền nói. “Người quen tre thì biết cây nào có ngọn, cây nào cụt ngọn và chọn tre phải là cây có ngọn. Ngoài ra, nhìn mấu tre là biết cây nào già, cây nào non”.

So với bộ xương diều hay áo diều (giờ được sử dụng bằng những vật liệu mới như vải dù, vải polyester, dễ may, dễ tháo lắp khỏi khung diều và có mầu sắc đa dạng), sáo diều là bộ phận khó làm nhất bởi tùy theo số lượng ống, thời gian sẽ từ ba đến bảy ngày. Trước đây, người chơi chỉ chơi sáo một, sáo đôi thì nay, bộ sáo có từ ba, năm, bảy, chín đến 13 ống, thậm chí 15, 17 ống, được xâu lại bằng một thanh tre gọi là chằm rồi sau đó buộc chặt với xương sống diều. Ống sáo được lựa chọn kỹ từ những cây tre, nứa già là loại tre đanh, chắc, gặp nắng mưa không bị nứt, khi làm sáo sẽ có tiếng vang, có bề sâu. Nếu may mắn kiếm được đoạn ống tre có kiến làm tổ bên trong và tạo nên độ nhẵn thì tiếng sáo sẽ dội âm tốt so với những ống tre khác, như Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều (thuộc Hội Di sản văn hóa) Lê Thanh Bình cho biết.

Ống sáo được chia làm hai phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo mới càng cộng hưởng, càng vang xa, trong lúc đường kính ống phải làm sao để hợp âm từ cái 1 đến cái 5, cái 7… phải “ăn” với nhau, tạo nên một hợp âm mong muốn.

Nắp sáo được làm từ các loại gỗ nhẹ, mềm như gỗ mít, gỗ vàng tâm, gỗ dổi nhưng với những người mới làm, như ông Quyền cho biết, họ có thể làm bằng gỗ keo. Tùy vào độ lớn bé của ống sáo để làm nắp có kích cỡ tương ứng. Người làm không chỉ phải khéo tay vì cần đến những kỹ thuật như cưa, chạm, bào, mài… mà còn phải rất kiên trì, chịu khó nếu muốn làm ra những nắp sáo tròn, nhẵn, nhẹ, miệng sáo là một lỗ dài bằng đường kính trong của ống sáo được khoét đúng kích thước. Ở đây, sáo kêu hay không cũng phụ thuộc vào kỹ thuật khoét miệng sáo, chưa nói đến việc quyết định âm thanh to nhỏ, đổ hồi mau thưa. Nghĩa là miệng sáo phải được khoét thật cân bởi lệch một chút đã có thể làm méo tiếng sáo. Không quá lời nếu nói rằng, người làm sáo cũng phải có chút hiểu biết về âm học, nhạc lý khi họ cần hợp âm chuẩn và tạo nên tiếng sáo du dương, êm ả, không có tạp âm và độ ngân tốt.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Lê Thanh Bình cho biết, hiện nay trung tâm đang cùng các câu lạc bộ, hội quán diều sáo trong cả nước hỗ trợ, quảng bá phong trào chơi diều, diều sáo, đồng thời xây dựng hồ sơ khoa học để xét duyệt đưa diều sáo vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trước mắt là lễ hội Sáo Đền tại xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Ông Bình chia sẻ thêm, mặc dù bia ký và chính sử chưa giúp chúng ta có câu trả lời chính xác cho sự ra đời của diều sáo Việt Nam nhưng giới chuyên môn đều thừa nhận giả thuyết diều sáo Việt Nam ra đời sớm hơn các nước trong khu vực Đông - Nam Á và chính diều sáo chứ không phải loại nào khác là đặc trưng, tiêu biểu cho diều Việt Nam. Cũng vì thế mà diều sáo Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt, rất độc đáo, không nơi nào trên thế giới có, nhất là phần âm thanh. Nếu thời xưa, các cụ định âm theo âm thanh tự nhiên như tiếng chuông, tiếng trống, tiếng tù và, nghe du dương, thánh thót… thì bây giờ, giới trẻ có xu hướng chơi sáo nhiều ống, âm thanh to hơn như tiếng máy cưa, tiếng còi tàu. Vì thế, năm 2011, hai chuyên gia người Đức khi đến Việt Nam nghiên cứu về sáo diều đã khẳng định rằng, “tiếng sáo diều tựa như tiếng đàn phong cầm trong các nhà thờ, âm thanh tự nhiên khiến người nghe có thể nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, có thể dùng làm phương pháp trị liệu trong y học. Diều sáo của Việt Nam thật sự là một di sản văn hóa quý giá không nước nào có được”.

Sau khi Liên hoan Diều quốc tế lần đầu tổ chức thành công ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 2009, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều đang nỗ lực phục hồi thú chơi này thông qua việc quảng bá diều và diều sáo bằng cách đưa trò chơi dân gian vào trường học, giúp học sinh không chỉ biết mà còn rèn luyện toàn diện các yếu tố “đức, trí, thể, mỹ”. “Đức” ở đây là các em có thể chơi diều cùng nhau, mang tính cộng đồng, đồng thời hiểu rõ hơn về văn hóa dân gian và từ đó thêm yêu quê hương, đất nước; “trí” là cần sự thông minh, khéo léo trong việc làm diều; “thể” đòi hỏi sức khỏe, khả năng vận động khi thả diều; và “mỹ” cần đến sự đẹp mắt trong trang trí cánh diều.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều lễ hội thả diều truyền thống ở các địa phương, nhiều nghệ nhân nhưng điều đáng nói là diều, diều sáo không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn là một môn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Và chúng ta ngoài việc gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa đó cũng phải hội nhập quốc tế, phát triển hơn di sản mà ông cha đã để lại.

Theo MẠNH HÀO/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm