Cập nhật: 18/03/2020 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành hàng không đang đối mặt với những vấn đề hết sức nan giải. Nhiều hãng lớn còn yêu cầu sự giúp đỡ từ chính phủ trong bối cảnh nhu cầu di chuyển trên toàn thế giới giảm mạnh do dịch cúm lan tràn.

Trong 24 giờ qua, United Airlines của Mỹ, IAG – công ty mẹ của British Airways, Aer Lingus và Iberia , Air France, easyJet, Finnair, Air New Zealand và Aeroflot đều công bố các biện pháp quyết liệt để cắt giảm chi phí sau khi một số quốc gia, bao gồm cả Đức và Tây Ban Nha, quyết định đóng cửa biên giới.

Willie Walsh, chủ tịch IAG, thông báo sẽ hoãn kế hoạch nghỉ hưu lại để lèo lái tập đoàn này vượt qua những ảnh hưởng của virus Corona. Với thông báo cắt giảm 75% công suất trong hai tháng tới, ông Walsh cho biết không có gì đảm bảo rằng các hãng hàng không châu Âu sẽ sống sót.

“Tình hình sẽ rất căng thẳng trong vài tuần tới. Có rất nhiều hãng hàng không ngoài đang chịu sức ép khủng khiếp, với nguồn dự trữ tiền mặt đang cạn dần. Không có gì đảm bảo rằng nhiều hãng hàng không châu Âu có thể sống sót qua đợt khủng hoảng này”, ông này nói.

Bình luận của ông Walsh được đưa ra trong bối cảnh Centre of Aviation, một công ty tư vấn hàng không uy tín, cảnh báo rằng vào cuối tháng 5, hầu hết các hãng hàng không sẽ bị phá sản do những hạn chế về vấn đề đi lại chưa từng có tiền lệ đang được hàng loạt quốc gia áp dụng.

Nhiều hãng hàng không có thể phá sản, hoặc nhẹ hơn là phải vay nợ để có thể duy trì. Vào cuối tháng 5 năm 2020, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới sẽ lâm vào tình trạng này nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.

Iata, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, ước tính rằng ngành công nghiệp này sẽ thiệt hại 113 tỷ USD doanh thu do cuộc khủng hoảng. Nhưng đó chỉ là những dự báo trước khi các lệnh cấm biên được đưa ra. Ba liên minh hàng không toàn cầu, Oneworld, SkyTeam và Star Alliance - đại diện cho gần 60 hãng vận tải chiếm một nửa công suất toàn thế giới – đã lên tiếng kêu gọi chính phủ, sân bay và các bên liên quan khác giúp đỡ để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Air France-KLM cho biết họ sẽ giảm 70-90% công suất và có quỹ đạo tài chính giảm mạnh. Công ty này phát biểu rằng họ hoan nghênh các tuyên bố hỗ trợ ngành hàng không từ chính phủ Pháp và Hà Lan. Air France-KLM đang tiến hành một loạt các biện pháp khẩn cấp, từ việc cắt giảm chi phí lên tới 200 triệu euro cũng như cắt giảm giờ làm của nhân viên.

United Airlines của Mỹ và Air New Zealand đã thông báo với nhân viên rằng những công ty này sẽ bắt đầu các quy trình giảm công suất hoạt động và cắt giảm hàng chục ngàn chuyến bay.

Vào thứ hai vừa qua, Air New Zealand thông báo sẽ giảm 85% công suất quốc tế và giảm 1/3 công suất vận tải nội địa trong 2 tháng tới. United Airline cũng đang phải áp dụng những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của mình, bao gồm cả phương án giảm lương của 100.000 nhân viên.

Ryanair, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu, thậm chí còn tính đến khả năng hủy bỏ tất cả các chuyến bay của mình trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang hạn chế tối đa việc đi lại. Michael O’Leary, giám đốc điều hành, cho biết công ty dự định sẽ giảm 80% hoạt động trong tháng 4 và tháng 5, “nhưng không loại trừ khả năng tất cả đội tàu bay sẽ không được cất cánh.”

Alison Roberts, giám đốc điều hành của tập đoàn vận tải Australia & New Zealand, cho biết các hãng hàng không đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

S & P thậm chí còn làm trầm trọng hơn bức tranh chung của ngành công nghiệp này bằng cách hạ bậc xếp hạng tín dụng đối với hãng vận tải lớn thứ hai của Úc, Virgin Australia, xuống B- từ mức B + vào hôm thứ hai vừa qua. Đồng thời cảnh báo rằng tình hình đang xấu đi với tốc độ nhanh hơn những gì Virgin có thể làm để bảo vệ nguồn tiền của mình cũng như đề xuất các biện pháp để giải quyết vấn đề.

Theo Thảo Trang/dantri.com.vn

Tệp đính kèm