Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước công bố dịch Covid-19, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Vĩnh Phúc còn tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.
Song song với công tác kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Huyện Bình Xuyên nơi tâm dịch có nhiều khu công nghiệp với các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Để đảm bảo không lây lan dịch bệnh trong doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc đã tiến hành phun khử trùng tiêu độc tại KCN Bá Thiện, trong đó phun khử trùng đối với toàn bộ các xe ô tô, đưa đón cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp, ra vào KCN Bá Thiện; phun khử trùng đối với tất cả khu vực cổng ra vào của hơn 20 doanh nghiệp nằm trong KCN.
Công ty TNHH Daeduck Việt Nam tại KCN Bá Thiện, huyện Bình Xuyên là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại di động, nguồn nguyên liệu được nhập từ Hàn Quốc và thị trường tiêu thụ gồm nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc. Với mục tiêu tăng trưởng sản lượng và doanh thu tăng 20% so với năm 2019, ngay sau Tết Nguyên đán, toàn bộ người lao động của Công ty đã trở lại làm việc, các biện pháp phòng dịch đã được doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty TNHH Compal Việt Nam, KCN Bá Thiện, huyện Bình Xuyên đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020 là 28%, mặc dù đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 do một số chuyên gia kỹ thuật bên Trung Quốc không thể nhập cảnh sang Việt Nam, cũng như việc cung cấp một số nguyên liệu sản xuất phục vụ cho các khách hàng mới đang bị gián đoạn. Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, doanh nghiệp đã có những giải pháp cụ thể, nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn nguyên liệu, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc giảm trần lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng nhằm hỗ trợ các khách hàng, doanh nghiệp. Từ ngày 17/3/2020, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Với các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc hiện có gần 3000 khách hàng là các các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp. Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngân hàng đã chủ động rà soát mức độ ảnh hưởng của khách hàng để có những giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã đạt những kết quả bước đầu trong cuộc chiến với Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến khó lường, do vậy tỉnh đã xác định tiếp tục không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2020, năm cuối thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI./.
Ngọc Anh