Từng trải qua một thời kỳ gặp nhiều khó khăn do kinh doanh thua lỗ, trích lập dự phòng lớn với các khoản nợ phải thu khó đòi, tổn thất chờ xử lý, đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả... tuy nhiên, trong thời gian gần đây Tổng công ty Lương thực miền nam - Công ty cổ phần (VINAFOOD II) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong chế biến, kinh doanh xuất khẩu lương thực, thực phẩm bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần bình ổn thị trường lương thực, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19.
Xuất gạo tại một tổng kho thuộc Tổng công ty Lương thực miền nam.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền nam đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả để thực hiện tốt việc cung cấp lương thực cho thị trường, người tiêu dùng như: Tập trung đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ bao gồm: củng cố, kiện toàn hệ thống cung ứng đối với các đơn vị có trung tâm phân phối; thành lập bộ phận bán hàng trong nước thuộc các đơn vị trực thuộc, thiết lập hệ thống đại lý, khách hàng, đồng thời Văn phòng Tổng công ty mở rộng hệ thống bán lẻ, giới thiệu sản phẩm tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINAFOOD II Võ Thanh Hà, Tổng công ty đã chỉ đạo các công ty và đơn vị thành viên tăng cường công tác cung cấp lương thực cho thị trường và người tiêu dùng, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối, thông qua hệ thống các doanh nghiệp bán lẻ trực thuộc hoặc hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ liên doanh, liên kết; bảo đảm các mặt hàng lương thực cung ứng cho thị trường có chất lượng tốt và giá cả ổn định; chủ động, tích cực tham gia công tác bình ổn thị trường theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Hiện, hệ thống các cửa hàng, kho lương thực của Tổng công ty tham gia bình ổn tại 98 địa điểm (63 cửa hàng và 35 kho lương thực) trải dài khắp các tỉnh, thành phố. Trong tháng 4 này, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai bảy cửa hàng kinh doanh lương thực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Để làm được điều đó, Tổng công ty đã có những bước chuẩn bị tốt trong suốt thời gian qua, cả về nguồn lực dự trữ, vấn đề tổ chức, quản lý lại doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh... Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xác định các nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ từng bước. Ngoài các nguyên nhân khách quan do thị trường, còn có nguyên nhân trong lãnh đạo quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế: sự thiếu thống nhất và quyết tâm để khắc phục khó khăn; công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu, thiếu quyết liệt...
Thấy rõ vấn đề đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, đưa các nhân tố mới, có năng lực, có kinh nghiệm tham gia. Đồng thời Ủy ban cũng có sự tham gia nhân sự trong ban lãnh đạo Tổng công ty. Qua đó đã tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong tập thể lãnh đạo doanh nghiệp, trong toàn thể bộ máy. Cùng với đó, Tổng công ty triển khai hàng loạt các giải pháp mạnh như: rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hạch toán phụ thuộc; tiết kiệm chi phí quản lý của doanh nghiệp; tăng cường tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường kinh doanh lương thực ngoài các thị trường truyền thống đã có... Nhờ đó, năm 2019, Tổng công ty đã vượt qua khó khăn, cân đối nguồn vốn, tài chính, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, sản lượng bán ra của Tổng công ty đứng thứ ba trong các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam; là năm đầu tiên Tổng công ty phát triển mạnh thị trường gạo thương mại, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao với số lượng lớn. Nhiều đơn vị thành viên đã có những cố gắng vượt bậc, đạt kết quả cao, là những đơn vị điển hình, lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Tổng công ty Lương thực miền nam, như Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Safoco chuyên sản xuất các mặt hàng lương thực thực phẩm chế biến luôn có sự ổn định và tăng trưởng đều hằng năm. Liên tục trong nhiều năm liền công ty đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2019, doanh thu, sản lượng, lợi nhuận của công ty đều vượt kế hoạch và vượt so với năm 2018. Trong lĩnh vực xuất khẩu lương thực, nhiều đơn vị đã có những giải pháp tích cực trong công tác đàm phán và có nhiều chính sách để duy trì khách hàng truyền thống, tích cực khai thác các hợp đồng xuất khẩu thương mại, tập trung vào xuất khẩu mặt hàng gạo thơm, gạo nếp phẩm chất cao; chú trọng đầu tư máy móc thiết bị để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến gạo chất lượng; tăng cường công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại... mang lại hiệu quả xuất khẩu cao, như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang, Công ty Lương thực Long An, Công ty cổ phần Lương thực Bình Định, Công ty cổ phần Xây lắp Cơ khí và Lương thực thực phẩm...
Theo HÀ VY/nhandan.com.vn