Hiện nay, Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế trên phạm vi toàn tỉnh, nông dân có thể tái đàn chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, thiếu lợn giống, con giống giá quá cao đang là khó khăn lớn, khiến nhiều hộ không thể tái đàn khi mà giá thịt lợn thương phẩm đang ở mức cao.
Năm 2014, gia đình ông Phạm Hồng Tường, thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương đầu tư hơn 500 triệu để xây dựng 250m2 chuồng trại chăn nuôi lợn. Sau khi cơn bão dịch tả lợn Châu Phi đi qua đã làm chết 7 con lợn nái và trên 40 con lợn thịt đến tuổi xuất chuồng của gia đình. Thiệt hại, thua lỗ là vậy nhưng với phương châm không đầu hàng trước dịch bệnh, gia đình ông quyết định sửa chữa chuồng trại theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn lợn. Nhưng một trong những khó khăn lớn mà gia đình ông đang phải đối mặt là không tìm mua được con giống chất lượng.
Sau dịch tả lợn châu Phi, cả huyện Tam Dương có đến cả nghìn hộ dân đang để trống chuồng. Dịch bệnh xảy ra ở mỗi hộ, cơ bản đều phải tiêu hủy cả đàn, trong đó có cả lợn giống bố mẹ. Vì thế, khi hết dịch, nguồn sản xuất lợn giống cũng trở nên khan hiếm. Những trang trại lớn, không bị dịch bệnh, lợn giống sản xuất ra được giữ lại để nuôi thương phẩm khi giá lợn đang cao như hiện nay. Vì thế, những hộ nuôi quy mô nhỏ hơn sẽ không có tiền mua giống hoặc có mua cũng chỉ vài con khi mà giá lợn giống quá cao.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trong tái đàn lợn, người chăn nuôi phải tuân thủ việc chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vật tư đầu vào nghiêm ngặt và nâng cấp hạ tầng trang thiết bị để đáp ứng việc chăn nuôi theo hướng tập trung nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh và tăng hiệu quả chăn nuôi./
Đặng Thưởng