Cập nhật: 03/06/2020 17:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. Tuy nhiên, công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn áp dụng biện pháp thủ công truyền thống khiến chất lượng không cao.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng hình thức thủ công không những làm tổn thất từ 10-15% sản lượng sản phẩm sau thu hoạch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản. Bởi vậy, để giảm tổn thất của việc sơ chế, bảo quản và nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản sau thu hoạch, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang chú trọng vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể đầu tư dây chuyền sấy công nghiệp, lò sấy bằng điện bán công nghiệp và xây dựng khu nhà sơ chế nông sản để sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản sau thu hoạch.

Huyện Vĩnh Tường có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp được liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm nên việc đầu tư hệ thống sấy nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cho các loại nông sản, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường được xem là yếu tố quan trọng. Đến nay, trên địa bàn Huyện Vĩnh Tường đã có 1 máy sấy nông sản tự động, với công suất đạt từ 20 tấn một mẻ.

Việc đưa vào hoạt động các máy sấy lúa tự động đã khắc phục tình trạng thất thoát sản phẩm, nên hiệu quả kinh tế được nâng lên. Ngoài ra, thông qua việc sử dụng máy sấy còn giúp nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch./.

Đặng Thưởng

Tệp đính kèm