Từ một học sinh giỏi, ngoan ngoãn, ngoài học ở trường thì suốt ngày đi học thêm, hè cũng được gia đình gửi vào nội trú... Ngân bắt đầu lao vào game để "buông hết".
Trần Thúy Ngân (tên nhân vật đã được thay đổi), 17 tuổi, đang trong quá trình cai nghiện game tại Trường Phổ thông nội trú IVS, TPHCM, nhận lời đến chia sẻ tại tọa đàm về hậu quả của game online với vai trò là "người trong cuộc".
Suốt nhiều năm liền từ tiểu học, khi học ở một trường điểm ở quận Bình Thạnh, Ngân luôn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn. Khi đó, ngoài giờ học ở chiều, tối lại đến các lớp học thêm, khi đó còn bé nên dù không thích nhưng em vẫn phải nghe lời. Cuộc sống em quanh quẩn với việc học, ngay cả mùa hè, em cũng được gửi vào các trường nội trú để học.
"Học ở trường sáng chiều, tối đi học thêm đến 9 giờ mới ăn cơm, về học bài, soạn bài đến 11, 12 giờ mới ngủ. Đến lớp 8 em bắt đầu "bung" ra, chơi game nhiều hơn, bạn bè cũng động viên nhau cứ chơi mà "xả" hết đi.
Ngân bắt đầu chơi game bắt đầu từ năm lớp 3, nhưng lúc đầu, cũng như nhiều đứa trẻ, chỉ chơi cho vui. Sau thì sa dần, nghiện dần, em lao vào game với các trò phổ biến trong giới trẻ như Liên minh, PUBG, FIFA.
"Có lúc, em chơi 10 - 12 giờ mỗi ngày, thường xuyên xuyên đêm. Ngoài giờ học là em vào ngồi ở quán game, thường xuyên ăn, ngủ ngay trước máy tính. Em thường xuyên lấy trộm tiền bố mẹ để có tiền chơi game", Ngân nhớ lại.
Lực học của Ngân xuống dốc, còn cân nặng của em có thời điểm tăng lên 110 kg do chỉ ngồi chỗ chơi game và ăn.
Khi bố mẹ bất lực, nhốt Ngân lại thì em đã trốn bỏ nhà ra đi với 50.000 đồng trong người. Để có tiền chơi game, Ngân nghĩ chẳng lẽ bây giờ mình phải đi ăn trộm, ăn cướp? Sau đó, qua bạn bè, em làm phụ việc ở quán ăn mỗi ngày kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Có khi chủ quán cho ngủ lại, còn không, cô chơi xuyên đêm và ngủ luôn ở tiệm game.
"Khi thua game, người ta có thể giết người"
Hỏi Ngân, em có biết nhiều vụ án khủng khiếp trong giới trẻ liên quan đến game như đi cướp giật, đánh người, giết bạn bè, người thân vì tức tối khi chơi game, vì để có tiền chơi game không?
Ngân kể, khi cay cú vì game, người chơi điên liên, có thể chửi thề, giết người
Ngân gật đầu và chia sẻ với vai trò một người từng nghiện game: "Khi chơi game mà thua cuộc, bên trong mình rất khủng khiếp. Người chơi đập bàn phím, la bới, tức quá là chửi thề.
Hay khi đang say mê chơi, ai kêu mình là mình có thể lấy cái gì đó đánh người ta ngay hay điên lên, trong chốc lát có thể giết người luôn".
Trong những năm tháng nghiện game, Ngân chỉ còn một khát khao: Sau này sẽ trở thành game thủ.
"Có những việc khủng khiếp ở tụi con mà bố mẹ không hề biết"
Lần bỏ nhà đi, Ngân cắt tóc, nhuộm tóc, cố thay đổi hình dạng bên ngoài để bố mẹ không tìm được. Sau khi bố mẹ tìm ra đưa về nhà, em đang được gửi vào "cai" và tiếp tục học lớp 11 tại Trường IVS từ đầu năm học này. Sau một thời gian cai, rèn luyện, hiện tại Ngân thấy mình không còn hứng thú với game và cân nặng giảm xuống 80kg.
Ngân tâm sự, từ ngày bé, bố mẹ suốt ngày nhắc chuyện học nhưng suốt ngày bố mẹ đi làm, ít khi trò chuyện, vui chơi với con. Khi chơi game, em quên hết áp lực học tập, lại được giao lưu với bạn bè trên mạng khiến mình vui hơn nên nên lại càng mê.
Nhiều học sinh tại một trường học tại TPHCM giơ tay khi được hỏi: "Các em có chơi game không?"
Ngân kể, không chỉ mình mà rất nhiều bạn bè của mình, khi về nhà, các em rất cô đơn. Bố mẹ thì áp đặt, la mắng, hối thúc học đi, rồi hay so sánh xem con nhà này, nhà kia...nhưng lại không quan tâm làm em bị ức chế và tìm cách phản kháng.
"Đôi khi em thèm một câu hỏi quan tâm, con có sao không? Con có chuyện buồn không?", Ngân nói.
Theo Ngân, các bạn trẻ ở lứa tuổi mình có nhiều điều rất khủng khiếp mà bố mẹ không hay biết. Có người chơi game, có người hút thuốc, đi bar, theo bạn trai bạn gái...
Ngân nhắc về những chuyến đi nghỉ cùng bố mẹ ở Vũng Tàu, Phan Thiết... khi đó em rất vui. Nhưng trở về nhà, bố mẹ lại lao vào công việc.
"Chúng em biết, cuộc sống bây giờ không có tiền không được. Nhưng bên cạnh kiếm tiền, người lớn hãy quan tâm, chia sẻ, lắng nghe con nhiều hơn... để giúp con tránh sa ngã", cuối buổi trò chuyện, cô học trò ngân ngấn nước mắt.
Ngân cho biết, mình sẽ cố gắng "đoạn tuyệt" với game, cố gắng học hết lớp 12 để khi trở về, em sẽ học một nghề nào đó.
Nghiện game online như ly nước độc
Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), nhà tâm lý chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game cho biết, ngoài những học sinh yếu kém, có cả những học sinh có thành tích học tập khá giỏi, thậm chí sinh viên có học bổng du học nước ngoài cũng nghiện game.
Lúc đầu, các em chỉ chơi game từ 1– 2 tiết mỗi ngày, lâu dần do không có được sự kiểm soát của bản thân nên thời gian tăng lên cả ngày, có khi các em ăn cùng game và ngủ cùng game.
Theo ông, các bạn trẻ nếu có chơi thì chỉ nên chơi ở mức giải trí, ngày khoảng 30 phút với những trò nhẹ nhàng, vui nhộn, đặc biệt tránh xa những game bạo lực.
“Tôi cùng ăn, ngủ cùng với người nghiện game, tôi thấy rằng khi một ai đó chơi game online thì rất khó để nghỉ chơi. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, nghiện game online như một ly nước có độc, nếu chúng ta uống ly nước độc chẳng khác nào ta tự sát và người chơi game được ví như người uống nước có độc", ông Lê Anh nhấn mạnh.
Theo Hoài Nam/dantri.com.vn