Sáng 18/6, Việt Nam chỉ còn 6 ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị. Trong khi đó, ca mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam là phi công người Anh hồi phục thần kỳ, điều mà các bác sĩ "không dám nghĩ tới".
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 18/6, 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong 335 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam, có đến 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 6.285, trong đó:- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 93- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.775
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 417
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cả nước đã có 325/335 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh. Tại các cơ sở y tế còn 10 bệnh nhân đang điều trị, trong đó đã có 4 ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2. Như vậy, số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 chỉ còn 6 trường hợp.
Về ca mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam, đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 91 ngày điều trị và hiện là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, ngưng thở máy từ sáng 12/6.
Khi được điều trị sạch virus với 7 lần âm tính với SARS-CoV-2, nam phi công được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mê sâu với chỉ định ghép phổi. Khi tiếp nhận bệnh nhân, ngay cả những bác sĩ lạc quan nhất cũng không dám nghĩ tới cơ hội bình phục cho người bệnh.
"Bệnh nhân hồi phục tốt. Đến giai đoạn này phổi hồi phục, tự hoạt động hoàn toàn, không nghĩ đến phải ghép phổi. Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục được chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỉnh táo, tiếp xúc cơ, được phục hồi chức năng và ăn qua đường miệng bình thường, kiểm soát nguy cơ nhiễm khuẩn chặt chẽ vì nếu bị nhiễm khuẩn lại sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Bệnh nhân hồi phục thần kỳ, điều mà các bác sĩ không dám nghĩ tới", PGS Khuê cho biết.
Trước đó, ngày 18/3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (ngày 6/4). ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.
Theo Hồng Hải/dantri.com.vn