Cập nhật: 01/07/2020 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chèo thuyền kayak khám phá Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; đi bộ trải nghiệm cuộc sống động vật về đêm ở rừng già Cúc Phương hay nghỉ dưỡng cuối tuần giữa non xanh, nước biếc, hoạt động thể thao tăng cường sức khỏe. Đó là những hình thức du lịch mới, tạo thêm hấp dẫn cho các điểm đến ‘‘an toàn, thân thiện’’ đang được phát huy tại Ninh Bình khi chuyển hướng thu hút khách du lịch trong nước mùa hè này.

Khách du lịch trải nghiệm chèo thuyền khám phá Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Nhiều hình thức du lịch mới hấp dẫn

Đón bắt cơ hội “Người Việt đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An vừa tung ra hình thức du lịch mới bằng thuyền kayak giúp du khách thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt tác, đó là những khối đá vôi vòng cung bao phủ rậm rạp thực vật; xen kẽ là thung lũng, đầm lầy và nhiều công trình văn hóa, tâm linh xây dựng cách đây hàng nghìn năm. Kayak là thuyền nhỏ, dài có một đến hai chỗ ngồi với thiết kế chuyên dành cho hoạt động trải nghiệm các vùng sông nước, hồ, biển lớn, hoạt động thể thao dưới nước. Từ cuối tháng 5-2020, website của khu du lịch được hàng trăm lượt người yêu thích du lịch khám phá trong nước truy cập, đăng ký tham gia trải nghiệm. Họ được nhân viên Ban quản lý tư vấn thời gian, cách tập luyện chèo thuyền. Nhân viên ở đây sẽ hướng dẫn để bảo đảm an toàn nhất cho du khách; đồng thời bố trí lực lượng cứu hộ thường xuyên túc trực.

Anh Dương Đình Quyết ở Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tôi tự chèo thuyền đưa bạn gái khám phá vẻ đẹp hùng vĩ trong vùng di sản Tràng An. Nắng hè gay gắt, nhưng rất vui; thú vị hơn là được chủ động tự chèo thuyền đến nơi mình thích”.

Một điểm đến ‘‘an toàn, thân thiện” khác luôn được khách du lịch trong nước, quốc tế ‘‘check in’’, đó là Vườn quốc gia Cúc Phương mang nét đặc trưng rừng nhiệt đới. Ở đây có 2.234 loài thực vật và nhiều loài thú quý hiếm, như: Voọc mông trắng, báo gấm, báo lửa, gấu ngựa... được ghi trong Sách đỏ. Nhiều loài khác như linh trưởng, hổ, thú ăn thịt nhỏ, tê tê, rùa... cũng được bảo tồn tại đây. Đến Cúc Phương, du khách được tìm hiểu thế giới động vật về đêm; tiếp cận, hiểu rõ hơn về vai trò của rừng và nghề bảo tồn thiên nhiên; hoặc tham quan trung tâm bảo tồn rùa, linh trưởng; trải nghiệm đi bộ xuyên rừng.

Nhằm mục đích kích cầu theo chủ trương chung của tỉnh, thời điểm này, một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Cúc Phương tích cực triển khai giảm giá 10% các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, như: Spa, massage, xông hơi, tắm bùn, tắm nước khoáng nóng...

Danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa, công trình tâm linh đặc sắc là thế mạnh của Ninh Bình. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có lợi thế cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 90 km với hàng trăm khu nghỉ dưỡng, như: Chezbeo Homestay, Ninh Bình Valley Homestay, Tam Cốc Homestay, Panorama Homestay, Greenland Homestay... rất gần các khu, điểm du lịch, giao thông thuận tiện, môi trường trong lành, an ninh trật tự bảo đảm, người dân thân thiện, hiếu khách. Vì thế, vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình luôn được coi là điểm đến lý tưởng, thu hút từ khách du lịch bình dân đến cao cấp nghỉ dưỡng dịp cuối tuần.

Anh Nguyễn Tuấn Hoàng đến từ Hà Nội cho biết, cuối tuần vừa qua, gia đình chọn một resort ở Ninh Thắng, huyện Hoa Lư để du lịch tránh nắng hè oi bức. Thắng cảnh ở đây tuyệt đẹp, không khí trong lành, đồng thời các con anh được trải nghiệm leo núi, đạp xe trên đường quê để hiểu thêm về đời sống người nông dân.

Giảm giá, không giảm chất lượng dịch vụ

Hoạt động du lịch ở Ninh Bình được phép khởi động trở lại sau khi tạm hoãn lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2020 do dịch Covid-19. Ấn tượng khởi động hậu dịch Covid-19 là Tuần du lịch Ninh Bình (từ ngày 16 đến 22-5) với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú. Trong đó, chương trình photo tour ‘‘Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An’’ đã thu hút đông đảo các nhiếp ảnh gia, nhà báo, khách du lịch trong nước, quốc tế tham dự.

Thực hiện mục tiêu ‘‘kép’’ tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, Sở Du lịch Ninh Bình vừa đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ du khách trên trang thông tin điện tử của ngành, qua mạng xã hội Facebook, thu hút hơn bốn triệu lượt khách truy cập; ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Hà Nội; phối hợp doanh nghiệp Xuân Trường quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình trên các chuyến bay của Việt Nam Airlines và các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, trung ương.

Sáu tháng đầu năm nay, Ninh Bình mới đón được 1,5 triệu lượt khách, giảm 72% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 160 nghìn lượt, bằng 36% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 800 tỷ đồng, giảm 66%; 92% số doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu vì phải thu hẹp quy mô sản xuất và mất thị trường; nhiều lao động mất việc làm.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Đông cho biết: ‘‘Ngành du lịch Ninh Bình đề ra mục tiêu đón hai triệu lượt khách trong sáu tháng cuối năm, nâng tổng số khách năm 2020 lên 3,5 triệu lượt. Năm 2021, Ninh Bình tiếp tục được Chính phủ cho phép tổ chức phát động Năm du lịch quốc gia. Đó là niềm vui lớn, niềm tự hào của những người làm du lịch và nhân dân Ninh Bình”.

Được biết, để thực hiện mục tiêu nêu trên và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức Năm du lịch quốc gia 2021, trong tháng 6 này, lãnh đạo tỉnh, Sở Du lịch và lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ, lữ hành ở Ninh Bình đã tổ chức họp bàn, thống nhất quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là: Phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Trong tình hình mới về phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động kích cầu theo hướng ‘‘một giảm, hai không’’ (giảm giá, kết hợp khuyến mại; không giảm chất lượng dịch vụ, không cạnh tranh thiếu lành mạnh). Ngành du lịch Ninh Bình còn đưa ra sáu giải pháp thực hiện, gồm: Cơ cấu lại thị trường du lịch; xác định thị trường nội địa trọng điểm để mở rộng liên kết; đón tiếp các luồng khách quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; phối hợp quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình tại Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh, hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai; Triển lãm du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Hội chợ APEC ở Đà Nẵng trong tháng 7, tháng 8 tới.

Với địa hình gồm ba vùng rõ rệt (núi, đồng bằng và biển), vùng nào của Ninh Bình cũng có phong cảnh thiên nhiên tuyệt tác gắn với bề dày lịch sử, văn hóa mang nhiều nét đặc trưng. Đây là tiềm năng, thế mạnh để Ninh Bình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Được biết, từ nhiều năm trước, tỉnh đã định hướng việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, cảnh quan núi đá phục vụ du lịch; hoạt động du lịch làm thay đổi rõ nét diện mạo đô thị trung tâm và nhiều vùng nông thôn. Môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp đã góp phần cho tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất công nghệ sạch, công nghệ cao, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chủ yếu là du lịch chiêm ngưỡng, ngắm cảnh đẹp ở Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật tại một số huyện.

Mặt khác, đối với hoạt động lưu trú dù tỉnh có tới 650 cơ sở, song chưa lớn và mới đáp ứng được phân khúc thấp. Số khách sạn đạt tiêu chuẩn bốn đến năm sao còn ít; nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn ở phân khúc cao hạn chế, chưa thu hút được các đoàn khách đông người, hội thảo lớn trong nước và quốc tế. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa, về chiến lược, mặc dù nhiều năm qua xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực tế Ninh Bình chưa có các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói trở thành một trong những “trụ cột” kinh tế của tỉnh.

Để nâng tầm và chất lượng cho ngành du lịch Ninh Bình, ngoài các giải pháp mà ngành du lịch đưa ra, thiết nghĩ, tỉnh cần xây dựng quy hoạch chiến lược “đột phá” về du lịch phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới. Bên cạnh đó, trước tình trạng một số doanh nghiệp có hiện tượng lạm dụng khai thác tài nguyên du lịch quá mức, xây dựng công trình trái phép làm phá vỡ cảnh quan, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch; giải quyết hài hòa mối quan hệ hợp tác công - tư trong khai thác, bảo tồn di sản; khuyến khích doanh nghiệp hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới như đường hành hương kết nối Di sản Tràng An - chùa Bái Đính - chùa Tam Chúc - chùa Hương - Hoàng thành Thăng Long; xây dựng cột hải đăng ở vùng biển Kim Sơn và nhiều sản phẩm khác để gia tăng hoạt động trải nghiệm, tham quan, liên kết tua…

Theo BÀI VÀ ẢNH: LÊ HỒNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm