Cập nhật: 23/07/2020 15:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đánh vào tâm lý ham rẻ lại chọn đúng thời điểm nhiều gia đình có nhu cầu đi nghỉ dưỡng vào mùa hè, nhiều công ty du lịch “ma” đã tung ra các chiêu thức lừa đảo tinh vi, móc túi người tiêu dùng.

Không chỉ quảng cáo rầm rộ trên mạng với các combo du lịch rẻ chưa từng có, để lấy lòng tin và tạo hiệu ứng với khách hàng, các công ty “ma” này còn tiến hành đưa 1-2 đoàn khách đi du lịch với giá rẻ sau đó tiến hành lừa đảo quy mô lớn.

Nhiều gia đình mất số tiền từ vài triệu đồng, nhưng cũng có người “sập bẫy” với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng khi ham rẻ đăng ký cho các đoàn khách đông.

Điều đáng nói là khi bị phát hiện, tố cáo các công ty này lập tức thay đổi số điện thoại, đóng cửa Fanpage để tránh sự truy quét của cơ quan chức năng.

Phản ánh đến báo Dân trí, chị Phạm Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc cho biết, đầu tháng 6/2020 chị lên Facebook tìm hiểu tour du lịch giá rẻ đi Phú Quốc cho đoàn 8 người của gia đình.

Khi vào các trang bán vé trực tuyến, chị Huyền bị thu hút bởi một bài đăng chào bán combo Hà Nội – Phú Quốc trong 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 4,1 triệu đồng/ người, đã bao gồm tiền vé máy bay và khách sạn 5 sao.

Thấy giá bán tour hợp lý, đồng thời người bán hàng liên tục khẳng định “làm ăn uy tín, đã bán hàng trăm tour” nên chị Huyền yên tâm chuyển khoản thanh toán 100%  với số tiền trên 30 triệu đồng.

Chị Phạm Huyền cho biết, chị bị hủy tour du lịch chỉ trước 1 ngày khởi hành. Dù vậy khi yêu cầu cung cấp bằng chứng đã đặt tour cho khách, người bán hàng không đưa ra được. Ảnh: NVCC

Đến sát ngày đi, người này vẫn không chuyển code vé máy bay, chị Huyền thắc mắc hỏi thì liên tục được trấn an do giá tour rẻ nên phải sát ngày mới có.

“Tôi đợi hết ngày này đến ngày khác, ngày nào cũng vào hỏi thông tin nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “chắc chắn sẽ có”.

Tuy nhiên, trước ngày đi 1 ngày, bạn bán tour gọi điện thoại báo tin: “Em bị lừa rồi, nên tour của chị không đi được nữa”. Thật sự lúc đó tôi bức xúc, ngỡ ngàng không nói lên lời. Để có chuyến đi này, cả gia đình tôi đã phải gác lại rất nhiều công việc”, chị Huyền kể.

Không muốn mọi người thất vọng, ngay sau đó chị Huyền đã phải bỏ thêm 20 triệu đồng và đặt một tour du lịch khác. 

“Tôi được bạn ấy hoàn lại tiền nhưng thật sự thất vọng, bức xúc. Bạn bán vé tour cho tôi thậm chí còn buông lời xúc phạm ngược lại tôi khi tôi yêu cầu cung cấp chứng cứ chứng minh bạn ấy bị lừa.

Nếu bạn ấy không may là nạn nhân thì tôi có thể thông cảm được nhưng ngược lại nếu bạn ấy cũng tham gia lừa đảo khách thì đó lại là một câu chuyện khác”, chị Huyền bức xúc nói và cho biết sẽ làm đơn trình báo cơ quan công an và làm đến cùng vụ việc.

Các combo du lịch với giá rẻ được chào bán rầm rộ trên Facebook

Tương tự, chị Minh Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là nạn nhân bị lừa đảo bởi các công ty du lịch ma. Cuối tháng 6 vừa rồi chị đặt tour 3 ngày 2 đêm cho 2 vợ chồng cùng 1 con nhỏ đi du lịch Đà Nẵng với giá 3,9 triệu đồng/ người.

Dù đã thanh toán 100% số tiền tour trước cả tháng nhưng cách đây 5 ngày chị nhận được thông báo “tour bị hủy do bên đại lý ôm tiền bỏ trốn”. “Tiền mất là một phần nhưng bức xúc nhất là cảm giác chờ đợi, háo hức, sắp xếp công việc của cả gia đình cho chuyến đi cuối cùng lại không thực hiện được”, chị Minh Anh nói.

Mới đây, vụ việc phòng vé Anh Anh (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) bị “tố” ôm hàng tỷ đồng của đại lý, cộng tác viên bán combo du lịch rồi bỏ trốn khiến dư luận xôn xao.

Theo phản ánh, để tạo niềm tin cho những cộng tác viên bán combo du lịch giá rẻ, Phòng vé Anh Anh đã tổ chức cho nhiều đoàn khách đi du lịch với giá rất rẻ, tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên fanpage Phòng vé Anh Anh.

Để bán được nhiều sản phẩm, phòng vé này xây dựng mô hình hoạt động giống như đa cấp, với các đại lý, cộng tác viên lên tới hàng trăm người “rầm rộ” đăng tin quảng cáo.

 

Địa chỉ đăng ký và hoạt động của Phòng vé Anh Anh hiện đã khóa trái cửa. Ảnh: An ninh Thủ đô

Với giá tour rẻ, mức chiết khấu % combo cao cho cộng tác viên nên phòng vé này thu hút được lượng lớn người đăng ký tham gia bán hàng. Kéo theo đó, là rất nhiều khách hàng bị “sập bẫy” lừa đảo. Khi thu được lượng tiền lớn, chủ phòng vé Anh Anh đã lập tức biến mất, trụ sở văn phòng ở Núi Trúc (Hà Nội) cũng tháo biển hiệu.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, qua kiểm tra dữ liệu quản lý, Phòng vé Anh Anh không có kê khai; không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch; không có thông báo, báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch.

Hiện Sở cũng đã có văn bản gửi Công an TP Hà Nội, UBND quận Ba Đình và Công an quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xác minh vụ việc.

Theo Hà Trang/dantri.com.vn

Tệp đính kèm