Massage liệu pháp là những thao tác bằng tay trên cơ và mô của cơ thể nhằm tăng cường cả về sức khỏe lẫn tinh thần thông qua việc tăng dòng máu chảy đến tim, thúc đẩy quá trình loại bỏ tạp chất trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, thư giãn các gân - dây chằng đồng thời đem đến cảm giác thoải mái, thanh thản.
Ở sơ sinh khỏe mạnh, massage giúp giảm đáp ứng đau với các thủ thuật y khoa (tiêm ngừa, lấy vein…) cũng như giảm đau trong táo bón và hội chứng colic, điều hòa hệ tiêu hóa, hô hấp, kích thích hệ tuần hoàn và thần kinh, giúp trẻ đồng thời cũng ngủ yên hơn và sâu hơn.
Massage còn đem đến lợi ích cho cả trẻ sơ sinh khuyết tật và trẻ bệnh. Nó giúp trẻ có khiếm thị (có hay không kèm với khiếm thính) hoặc khiếm thính, nhận thức tốt hơn về cơ thể chúng. Nó còn giúp phát triển các hoạt động của các dây thần kinh vận động ở sơ sinh non tháng và bại não. Trẻ đẻ non cũng tăng cân tốt hơn với liệu pháp này.
Massage không chỉ đem lại lợi điểm cho bé mà còn cho những phản ứng tích cực đến các bậc phụ huynh. Có khoảng 10% bà mẹ bị chứng trầm cảm sau sinh gặp khó khăn trong việc tìm sự kết nối với trẻ, massage sẽ giúp giảm và loại bỏ mối lo âu này. Những động tác vuốt ve âu yếm trẻ làm cho cha mẹ tìm và cảm nhận tốt hơn mối liên kết với trẻ, đem đến cảm giác yên bình và thư giãn. Sau đây là một số cách massage cho trẻ
Mặt : Dùng ngón tay cái vuốt ngang 2 bên da phía trên môi, dưới môi kéo nhẹ về 2 gò má như thể trẻ đang cười, điều này giúp massage cơ miệng giúp trẻ bú tốt hơn. Bạn cũng có thể xoa nhẹ da đầu trẻ để tăng dòng máu đến nuôi vùng da này.
Ngực : Dùng 2 tay đặt lên ngực trẻ, vuốt nhẹ dọc từ trên xuống hoặc bạn cũng có thể vuốt từ giữa ngực ra 2 bên theo chiều của xương sườn sau đó vòng lại như thể tay bạn đang vẽ 1 hình trái tim để về trung tâm và bắt đầu 1 vòng tiếp theo. Sau khi xong mặt trước, bạn có thể cho trẻ nằm sấp và massage phần lưng.
Massage là giây phút tiếp xúc thể hiện tình yêu thương của hai mẹ con.
Chân : 1 tay bạn giữ nhẹ chân trẻ, tay kia ôm vòng và xoay nhẹ chân từ gót lên mông và đi ngược trở xuống .
Đối phó với hội chứng Colic : Hội chứng colic- Quấy khóc ở trẻ sơ sinh tự nhiên sinh ra và cũng tự nhiên mất đi, điều bố mẹ cần để “đối phó” với thử thách là thời gian và kiên nhẫn.
Hiện nay không có thuốc đặc trị để "điều trị" tình trạng trẻ quấy khóc nói trên, tuy nhiên bạn cũng có thể chủ động áp dụng một số phương pháp sau để xoa dịu bé và bản thân mình thấy nhẹ nhõm hơn. Một điều tốt là hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi và có thể biến mất hoàn toàn khi trẻ được 5 tháng tuổi. Vì vậy, massage cho sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
Dùng 2 lòng bàn tay vuốt dọc nhẹ bụng trẻ từ phía trên xuống 6-8 lần. Nâng chân trẻ sao cho 2 đầu gối trẻ ép nhẹ lên bụng, dùng chính gối bé massage phần bụng này. Dùng ngón trỏ và ngón giữa hoặc dùng phần dưới của lòng bàn tay kéo dọc theo hướng đi của khung đại tràng (ruột già) từ phía dưới hông phải đi lên đến ngang bụng (ngay dưới xương sườn), sau đó đi ngang qua bụng rồi đi xuống hông trái, lặp lại 6-8 lần. Nâng chân trẻ sao cho 2 đầu gối trẻ ép nhẹ lên bụng.
Xin lưu ý rằng da sơ sinh rất mỏng manh, các động tác massage là những cử chỉ âu yếm, vuốt ve trẻ nhẹ nhàng biểu lộ tình yêu thương và mối liên kết thông qua tiếp xúc da-da, tránh làm mạnh sẽ tổn hại cho trẻ.
Bạn có thể massage cho con vào buổi sáng khi bắt đầu một ngày mới, khi trẻ ngủ quá 2,5 giờ chưa thấy dậy ăn hoặc trước khi tắm cho bé và lúc chiều tối giúp trẻ ngủ ngon hơn. Không nên làm khi trẻ vừa ăn no (ít nhất sau khi ăn 1 giờ), da đang bị thương, vết thương bị rỉ nước hoặc đang có ban dị ứng nhiễm trùng.
Để massage, bạn phải chuẩn bị phòng ấm, thoáng, không có gió lùa. Hai bàn tay rửa sạch và xoa ấm, không được để móng tay và đồ trang sức làm xước da trẻ. Bạn hãy đặt trẻ nằm trên mặt chăn phẳng, mềm, sạch, không kê gối, có thể dùng dầu massage.
Massage là giây phút tiếp xúc thể hiện tình yêu thương của hai mẹ con. Do vậy, trong khi làm bạn nên giữ sự trao đổi bằng mắt với trẻ, luôn nhìn trẻ mỉm cười hoặc hát nhẹ nhàng cho bé nghe.
Khi mới bắt đầu, bạn chỉ chạm nhẹ vào trẻ, sau đó các động tác có thể mạnh dần bé bắt đầu có cảm giác thoải mái và quen dần với các động tác xoa bóp. Không nên tiếp tục làm nếu trẻ khóc hoặc không muốn.
Theo suckhoedoisong.vn