Cập nhật: 18/08/2020 15:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với Mông Cổ, Mỹ muốn tìm một đồng minh mới, trong khi Trung Quốc tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, còn Nga lại muốn làm suy yếu vai trò của Trung Quốc

Bị kẹt giữa các cường quốc không chỉ 1 mà tới 2 cuộc chiến tranh lạnh, sẽ không có gì ngạc nhiên khi Mông Cổ không muốn lặp lại trải nghiệm này lần thứ 3.

Mông Cổ không được xem là ứng cử viên sáng giá để trở thành nhà trung gian địa chính trị có tầm ảnh hưởng, nhưng đất nước rộng lớn không tiếp giáp biển, với dân số chỉ 3,3 triệu dân này đang nằm ở giữa ngã 3 đường của một cuộc chiến giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga nhằm giành ảnh hưởng ở khu vực Á-Âu.

Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga. Ảnh: AFP

Mông Cổ dường như càng “khó xử” hơn khi nhận được đề nghị từ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tháng trước. Ông Morgulov nói rằng Moscow ủng hộ Ulan Bator đăng ký trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), dù nhấn mạnh Nga không có ý định “gây ảnh hưởng tới lựa chọn của những người bạn Mông Cổ”.

Mông Cổ có quy chế “quan sát viên” SCO từ năm 2004. Các nhà phân tích nói rằng nước này mong muốn ở vị trí trung lập trong những căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Mông Cổ chắc chắn muốn “đóng băng” các tham vọng còn lại liên quan tới SCO.

Các nhà phân tích nói rằng Mông Cổ lo ngại việc có mối quan hệ chặt chẽ với một nhóm vốn luôn bị chỉ trích là chống phương Tây và quá tập trung vào các vấn đề an ninh.

“Một số người Mông Cổ không muốn bị mắc kẹt với bối cảnh địa chính trị kiểu chiến tranh lạnh cũ. Mông Cổ vẫn nhớ những kinh nghiệm khi bị mắc kẹt trong 2 cuộc chiến tranh lạnh: giữa Trung Quốc với Liên Xô và giữa Mỹ với Liên Xô”, Mendee Jargalsaikhan, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Châu Á-Thái Bình Dương của Canada nói.

Trong Chiến tranh Lạnh [giữa Mỹ và Liên Xô], Mông Cổ là một nước vệ tinh của Liên Xô và có rất ít liên lạc trực tiếp với Mỹ và hai bên mới chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1987. Tương tự, vào những năm 1960, bất đồng về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng khiến quan hệ giữa Mông Cổ và Trung Quốc trở nên gay gắt.

Ở cả 2 ví dụ, Mông Cổ - về mặt địa lý nằm kẹp giữa Trung Quốc và Nga – cảm thấy ít hoặc gần như không thể kiểm soát được các mối quan hệ của mình với nước ngoài. Điều đó vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới các mối quan hệ ngoại giao ngày này và Mông Cổ vẫn ở thế khó khi xây dựng các mối quan hệ của mình. Các nhà phân tích nói rằng, giờ họ càng phải cân nhắc kỹ hơn về việc gia nhập một tổ chức có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với phương Tây.

Ra mắt năm 2001 và chính thức thành lập vào năm sau đó, SCO ban đầu bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, năm 2017 có thêm Ấn Độ và Pakistan. Bốn nước quan sát viên là Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ, cùng 6 đối tác-đối thoại là Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài việc tiến hành tập trận quân sự thường xuyên liên quan tới chống khủng bố và các mối đe dọa an ninh, các nước thành viên cũng hợp tác đối phó tấn công mạng và buôn lậu ma túy.

Nhà nghiên cứu Jargalsaikhan nói rằng, với “cái tiếng” chống phương tây của SCO, Ulan Bator chưa chắc đã sớm có hành động theo lời mời của Nga.

Ý đồ của Nga

Dmitry Stefanovich, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm an ninh quốc tế tại Nga nói rằng, lời đề nghị của Nga với Mông Cổ xuất phát từ tư cách chủ tịch SCO của Nga trong năm nay.

Nga quan tâm tới việc chào đón Mông Cổ vào SCO vì quân đội của Ulan Bator nhận được vũ khí của Nga và tham gia các cuộc tập trận quân sự chung, ví dụ như cuộc tập trận Selenga được tổ chức thường niên từ năm 2008 và lần gần đây nhất được tổ chức là tháng 8/2019.

Ngoài ra, ở Mông Cổ, ảnh hưởng của Nga được xem như yếu tố đối trọng với Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Raffaello Pantucci, một học giả cấp cao tại London cho biết, ngoài Mông Cổ, Nga cũng đang xem xét việc Iran trở thành thành viên đầy đủ của SCO.

“Điều này cho thấy cách tiếp cận chung của Nga với việc phát triển và mở rộng SCO. Đó cũng là một cách làm giảm bớt ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc trong tổ chức này”, Pantucci nói.

“Chiến lược nước láng giềng thứ 3” của Mông Cổ

Sau 16 năm với tư cách quốc gia quan sát viên, có vẻ như khá bất ngờ khi Mông Cổ không vội vàng với đề nghị của Nga. Tuy nhiên, Wang Jianjun, một nhà nghiên cứu tại Viện Charhar của Trung Quốc, nói rằng, sự thận trọng trong việc trở thành thành viên đầy đủ của SCO là vì chính sách “nước láng giềng thứ 3” của Mông Cổ - nước vốn luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các nước phát triển và các nền dân chủ phương Tây.

Trọng tâm của chiến lược này là mong muốn của Ulan Bator trong việc xây dựng quan hệ với các nước, các nền kinh tế khác ngoài Nga và Trung Quốc – hai cường quốc vốn có ảnh hưởng mang tính lịch sử với Mông Cổ. Trong số những nước Mông Cổ coi là “nước láng giềng thứ 3” có Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Hàn Quốc.

“Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj, chiến lược này được đẩy mạnh, và nó có những tác động đáng kể tới việc Mông Cổ trở thành một thành viên đầy đủ của SCO”, ông Wang nói.

Alicia Campi, một giảng viên tại trường nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Johns Hopkins, nói rằng, có một quan điểm đồng thuận ở Mông Cổ là nên tiếp tục quy chế quan sát viên vì các nội dung thảo luận ở SCO đều “không phải là ưu tiên hàng đầu” đối với Mông Cổ hoặc đã được bao quát ở các diễn đàn quốc tế khác mà nước này tham gia.

“Mông Cổ chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan cả ở khu vực và quốc tế, nhưng việc hợp tác với Trung Quốc và Nga trong SCO có những mục tiêu khác nhau, vượt xa hơn cả những khía cạnh đó. Dù vậy, nước này cũng biết rằng, các mối quan hệ như vậy cũng dấy lên lo ngại cho các đối tác của Mông Cổ ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á”, theo bà Campi - người cũng là chủ tịch một tổ chức phi chính phủ ở Mông Cổ.

SCO thường được mô tả là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, do tổ chức này chiếm khoảng một nửa dân số thế giới và 3/5 lục địa Á-Âu. Các nước đã chính thức nộp đơn gia nhập gồm Iran, Saudi Arabia, Bahrain và Qatar. Ai Cập, Syria và Bangladesh đã nộp đơn xin quy chế quan sát viên trong khi Israel, Maldives, Ukraine và Iraq muốn có quy chế đối tác-đối thoại.

Với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của SCO, học giả Pantucci nói rằng, sẽ là điều dễ hiểu khi Mông Cổ muốn có tư cách thành viên đầy đủ để đảm bảo mối quan hệ với Trung Quốc và Nga vẫn được duy trì.

“Kể từ khi Tổng thống Battulga lên nắm quyền, quan điểm trung lập của Mông Cổ dường như suy yếu hơn, bởi hiện tại là thời điểm quan trọng và nước này cần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế”, nhà nghiên cứu Wang Jiajun của Viện Charhar nói.

Mục đích của Trung Quốc

Ông Pantucci nói rằng, giống như Nga, Trung Quốc cũng muốn Mông Cổ trở thành thành viên đầy đủ của SCO vì lo ngại “khuynh hướng thân phương Tây” của Mông Cổ và điều này có thể trở thành cơ sở để phương Tây có thể can thiệp vào sân sau của Bắc Kinh.

Kể từ khi ông Battulga trở thành Tổng thống, Trung Quốc đã kêu gọi Mông Cổ nâng cấp quan hệ với SCO, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi người đồng cấp “tham gia vào hợp tác SCO theo cách sâu sắc hơn”.

Nhà nghiên cứu Wang Jiajun nói rằng, Trung Quốc quan tâm hơn tới việc Mông Cổ chính thức trở thành thành viên của SCO, bởi nước này đã tham gia hành lang kinh tế Trung-Mông-Nga (CMREC), một dự án bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn lực và năng lượng, và các dự án từ tài chính đến bảo vệ môi trường.

Mông Cổ coi CMREC là một cách để vượt qua những hạn chế không tiếp giáp biển của mình.

Cựu Đại sứ Trung Quốc ở Uzbekistan, Yu Hongjun gần đây nói rằng CMREC đòi hỏi cả 3 nước Trung Quốc, Mông Cổ và Nga phải có sự kết nối mở rộng hơn nữa trong các chiến lược phát triển.

Lo ngại của Mỹ

Mỹ chắc chắn sẽ “có chút lo ngại” nếu Mông Cổ trở thành thành viên đầy đủ của SCO.

Theo ông Pantucci, Mỹ đã từng không để ý nhiều đến SCO, coi đây chỉ là một tổ chức không mấy mạnh mẽ mà bản thân các thành viên có thể phớt lờ. Tuy nhiên Mỹ đã sai lầm về SCO, bởi tổ chức này đã giúp Trung Quốc xây dựng các mối quan hệ trong khu vực.

“SCO tạo diễn đàn cho sự ảnh hưởng lớn hơn của Trung Quốc trên khắp khu vực Á-Âu. Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung hiện nay, việc Mông Cổ gia nhập SCO có thể được xem như một thiệt hại đối với Mỹ”, Pantucci nói.

Theo bà Campi tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiểu rằng Mông Cổ vẫn phải có mối quan hệ mạnh mẽ với các nước láng giềng. Cũng chính vì điều này mà Mỹ không phản đối CMREC, và xem đó là điều hợp lý và không thể tránh được của thực tế địa chính trị.

“Tuy nhiên, Mỹ muốn Mông Cổ duy trì và đẩy mạnh các liên kết kinh tế chính trị và các nước khác, đặc biệt là các quốc gia dân chủ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên khắp thế giới”, Campi nói.

Một số nhà phân tích nói rằng, sức hấp dẫn của SCO đã gia tăng khi xem xét đến Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm phát triển cơ sở hạ tầng khắp khu vực Á-Âu với tiềm năng kết nối kinh tế và thương mại của khu vực. Một số người thậm chí còn cho rằng nếu có thêm nhiều nước Trung Đông gia nhập, tổ chức này một ngày nào đó có thể sẽ cạnh tranh ảnh hưởng với các chính sách ngoại giao của Mỹ.

Dù vậy, cũng như chính Mông Cổ, không phải tất cả các chuyên gia đều cảm thấy thuyết phục về sức hấp dẫn của SCO. Campi nói rằng, ảnh hưởng của SCO bị suy giảm do thất bại trong việc tạo ra chiếc ô quân sự hay hạt nhân nhằm bảo vệ các nước thành viên  như một đối trọng với NATO.

“SCO dường như đang đông cứng một cách từ từ vì các mục đích của tổ chức này ‘rối như canh hẹ’”, bà Campi nói.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN

 

Tệp đính kèm