Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành chủ trì cuộc họp sáng 20-8.
Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành chủ trì cuộc họp sáng 20-8.
Sáng 20-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp với các cơ quan liên quan về chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, đến 21 giờ ngày 19-8, đã có bảy người chết và một người mất tích, bốn người bị thương.
Có 1.004 nhà bị hư hỏng hoặc di dời khẩn cấp (Lào Cai 52 nhà, Thái Nguyên 55 nhà, Yên Bái 555 nhà, Hòa Bình 2 nhà, Phú Thọ 23 nhà, Hà Giang 136 nhà, Sơn La 48 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Điện Biên 128 nhà. 1.660ha lúa và 433 ha hoa màu bị thiệt hại; 4 con gia súc, 962 con gia cầm bị cuốn trôi. Về giao thông, một số tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở đất đá với tổng khối lượng khoảng 67.458 m3.
Tổng thiệt hại ước tính khoảng 45,3 tỷ đồng, trong đó Lào Cai: 6 tỷ đồng, Thái Nguyên: 1 tỷ đồng, Yên Bái: 12 tỷ đồng, Hà Giang: 7,9 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 9,3 tỷ đồng, Sơn La: 3,2 tỷ đồng, Lai Châu: 3,7 tỷ đồng, Cao Bằng: 2,4 tỷ đồng. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.
Tại cuộc họp, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Tây Nguyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Theo AN HÀ/nhandan.com.vn