Cập nhật: 18/09/2020 09:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dị ứng thực phẩm (dị ứng thức ăn) là tình trạng một hoặc một số loại thực phẩm nhất định gây đáp ứng miễn dịch bất thường. Đó là do hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm một số protein có trong thực phẩm là tác nhân gây hại, từ đó khởi động hàng loạt cơ chế bảo vệ (bao gồm cả giải phóng những hóa chất như histamine) gây viêm.

Dị ứng thực phẩm là gì?

Với những cơ thể dị ứng thực phẩm, chỉ cần tiếp xúc dù với lượng rất nhỏ loại thực phẩm gây dị ứng là đã đủ để xuất hiện những phản ứng dị ứng. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc từ vài phút tới vài giờ, bao gồm: phù mặt, miệng, lưỡi, khó thở, huyết áp thấp, nôn, tiêu chảy, nổi mề đay, mẩn ngứa...

Ở những trường hợp nặng, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ. Các triệu chứng sẽ xuất hiện và tiến triển rất nhanh, bao gồm mẩn ngứa, phù họng hoặc lưỡi, khó thở và hạ huyết áp. Phản ứng phản vệ có thể đe dọa tính mạng.

Dị ứng thực phẩm có thể phân thành 2 loại chính: dị ứng IgE và dị ứng không IgE. IgE là một loại kháng thể. Kháng thể là một loại protein trong máu có vai trò miễn dịch là nhận diện và chống lại sự nhiễm khuẩn. Trong dị ứng IgE, kháng thể IgE được hệ miễn dịch giải phóng ra. Trong dị ứng không IgE, kháng thể IgE không xuất hiện, thay vào đó là các thành phần khác.

Một số thực phẩm dễ gây dị ứng.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Sữa bò

Dị ứng sữa bò thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ tiếp xúc với protein sữa bò từ trước khi 6 tháng tuổi. Tuy nhiên khoảng 90% số trẻ sẽ không còn bị dị ứng nữa khi trẻ được 3 tuổi. Dị ứng sữa bò có thể xuất hiện ở cả hai dạng là dị ứng IgE và dị ứng không IgE, nhưng loại dị ứng IgE là phổ biến nhất và cũng có nguy cơ tiến triển nặng nhất.

Các trường hợp dị ứng sữa bò IgE thường xuất hiện những dấu hiệu phản ứng đầu tiên từ 5 tới 30 phút sau khi uống, bao gồm: phù, nổi mẩn đỏ, mề đay, nôn, và trong một số trường hợp hiếm gặp là phản ứng phản vệ.

Dị ứng sữa bò không IgE thường biểu hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, cũng như viêm ruột. Dị ứng sữa không IgE rất khó để chẩn đoán, bởi các triệu chứng giống với tình trạng bất dung nạp và không có xét nghiệm máu nào có thể sử dụng để chẩn đoán phân biệt.

Động vật có vỏ

Dị ứng với động vật có vỏ là dị ứng với thức ăn từ các loài giáp xác và nhuyễn thể, ví dụ như: tôm, cua, mực, sò điệp... Triệu chứng của dị ứng với động vật thường tiến triển nhanh và tương tự như các dị ứng thực phẩm IgE khác. Điểm đặc biệt của dị ứng với động vật có vỏ là với một số người, chỉ cần ngửi mùi trong quá trình chế biến thức ăn cũng đã đủ để biểu hiện dấu hiệu dị ứng. Dị ứng với động vật có vỏ thường kéo dài suốt đời, do đó người bị dị ứng cần loại bỏ toàn bộ động vật có vỏ ra khỏi chế độ ăn.

Dị ứng với cá cũng tương đối phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 2% người trưởng thành. Khác với các loại dị ứng khác, dị ứng với cá có thể xuất hiện sau khi đã trưởng thành. Một người có thể dị ứng với một hoặc nhiều loại cá khác nhau.

Trứng

Dị ứng trứng là loại dị ứng thực phẩm phổ biến thứ hai ở trẻ em. Một người có thể dị ứng với lòng trắng trứng nhưng không dị ứng với lòng đỏ trứng, và ngược lại, bởi protein trong lòng trắng và lòng đỏ khác nhau. Tuy nhiên dị ứng với lòng trắng trứng vẫn phổ biến hơn. Có tới 68% trẻ dị ứng với trứng sẽ hết dị ứng khi 16 tuổi. Các triệu chứng dị ứng trứng bao gồm: rối loạn tiêu hóa, điển hình là đau bụng, phản ứng da như mẩn đỏ, nổi mề đay, các vấn đề về hô hấp, phản ứng phản vệ (hiếm gặp).

Cách điều trị dị ứng trứng vẫn là loại bỏ trứng khỏi chế độ ăn, nhưng có thể không cần tránh mọi thức ăn liên quan tới trứng, bởi protein trong trứng sau khi trải qua quá trình dùng nhiệt chế biến sẽ bị biến tính, khiến hệ miễn dịch không còn coi là mối đe dọa và không phản ứng lại.

Các loại hạt của quả có vỏ cứng

Dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng là loại dị ứng thường gặp bao gồm: hạt quả hạch Brazil, hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt mắc-ca, hạt dẻ cười, hạt thông, hạt óc chó...Những người dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng dị ứng với các sản phẩm chứa chúng (bơ hạt, dầu thực vật,...). Trường hợp  bị dị ứng với 1 hoặc 2 loại hạt vẫn có nguy cơ dị ứng những loại hạt khác.

Đậu phộng

Dị ứng với đậu phộng là loại dị ứng rất phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Khoảng 15 - 22% trẻ em bị dị ứng với đậu phộng sẽ hết dị ứng khi bước vào tuổi thiếu niên. Những người dị ứng với đậu phộng chỉ có một cách điều trị duy nhất là loại bỏ hoàn toàn đậu phộng và các sản phẩm chứa đậu phộng khỏi chế độ ăn.

Đậu nành

Dị ứng với đậu nành ảnh hưởng tới khoảng 0,4% trẻ em và thường gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên 70% trẻ em dị ứng sẽ tự hết khi lớn lên. Điểm đặc biệt của dị ứng với đậu nành là có một số trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng dị ứng với cả đậu nành. Vì đậu nành là thành phần phổ biến trong nhiều loại thức ăn nên cần đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi ăn.  

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm