Thương trò vượt rừng đến lớp, các thầy cô trường bán trú Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã cùng nhau góp gạo thổi cơm cho các em. Nhờ vậy mà các em được ăn ngon và có sức học con chữ.
Cõng gạo lên nuôi học trò
Vượt hơn 150km từ thành phố Kon Tum, chúng tôi đến với ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Ngôi trường nằm lọt thỏm trên một ngọn đồi, bao quanh là bốn bề rừng núi. Học sinh nơi đây đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số người Xê Đăng, đời sống kinh tế còn khó khăn.
Thầy Nguyễn Ngọc Huynh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2020-2021, trường có 240 học sinh, trong đó tiểu học có 154 em. Trong đó có điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka là còn khó khăn trong việc đi lại của học sinh.
Điểm trường này có 23 em học sinh của lớp 1 và 2. Học sinh học 2 buổi/ngày nên sau khi học xong buổi sáng các em lại về nhà ăn cơm. Tuy nhiên, nhiều em nhà xa về ăn trưa xong cũng vắng học hay theo mẹ lên nương rẫy 3 - 4 ngày mới về nhà.
Thương trò “mất cái chữ”, các giáo viên đã bàn lập ra bếp ăn tình thương để cùng nhau góp gạo nấu cơm trưa cho các em ăn.
Bếp ăn tình thương lập lên đã nuôi hàng chục học trò. Đồng thời việc giáo dục vùng cao, duy trì sĩ số cũng được đẩy mạnh
Trên đường vào thăm điểm trường tiểu học thôn Đăk Ka, chúng tôi bắt gặp thầy A Phiên đang đưa gạo, thức ăn từ điểm chính vào chuẩn bị nấu buổi trưa cho các em. Chiếc xe cà tàng của thầy Phiên cứ “thét gầm” băng băng những con dốc dựng đứng để kịp giờ cơm cho các trò khi học xong.
Vừa rửa rau, thầy A Phiên tâm sự, ngày quỹ bếp tình thương ở điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka được xây dựng cũng là lúc thầy bắt tay vào công việc nấu cơm nuôi học trò. Vì để có thực phẩm tươi, ngon và đảm bảo vệ sinh nên cứ 6 giờ sáng mỗi ngày, thầy lại vượt quãng đường gần 15km, cả đi và về để ra điểm chính mua thức ăn và chở gạo vào nấu ăn. Con đường đi cũng vô cùng gian nan, hiểm trở, những dốc đá cứ nối nhau.
Mâm cơm đạm bạc nhưng ấm áp tình thầy trò ở vùng khó
“Vì nhà gần điểm trường Tiểu học Đăk Ka nên mình xung phong đi lấy thức ăn và nấu cơm cho các em học sinh. Hồi xưa học sinh học xong buổi sáng là buổi chiều về nhà rồi không trở lại lớp nữa.
Mà về nhà chúng cũng vào rừng nhặt quả rừng, hái măng rừng ăn chứ cũng có ai nấu ăn đâu. Cứ thế, từng đứa gầy gò mà chất lượng học tập cũng không có hiệu quả. Từ khi có cơm ở trường đứa nào cũng đi học chăm chỉ để ăn cơm ngon và có bạn bè chơi”, thầy Phiên bộc bạch.
“Bếp tình thương” giúp duy trì sĩ số
Vốn là một người con của núi rừng, tự lập từ nhỏ nên thầy Phiên chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho công việc nấu ăn. Chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ, ba mâm cơm nóng hổi với những món ăn như thịt kho, trứng chiên, rau xào, canh rau ngót thịt băm… đã được bày lên chờ tiếng trống hết giờ.
11h trưa, trò ào ra tranh nhau rửa tay rồi ngồi ngay ngắn vào bàn ăn. Khi các thầy gật đầu thì các trò lễ phép cất tiếng mời: “Chúng con mời thầy và các bạn ăn cơm” rồi hào hứng bưng bát cơm nóng hổi lên ăn. Sợ các trò nghẹn nên thầy liên tục nhắc phải ăn chậm chậm, tránh nghẹn.
Bếp ăn tình thương đã nói lên tấm lòng những người giáo viên vùng cao
Cô Nguyễn Dương Quý nhìn các trò đang ăn cơm và tâm sự: "Những đứa trẻ vùng cao này thiệt thòi lắm. Một bữa cơm đơn giản vậy thôi nhưng ở nhà các em ít khi được ăn.
Đa phần bà con đồng bào chỉ ăn các loại cây, lá rừng và ở trong nhà đầm sâu trong những cánh rừng. Lúc nào đi săn có con dúi, con chuột thì các em mới được ăn thịt. Tôi cũng từng dạy ở vùng thuận lợi nhưng thương các em nên mong muốn vào để gieo nên những con chữ hy vọng, giúp các em bớt khổ sau này”.
Khi ăn xong, từng em học sinh tự giác bưng chén của mình để vào thau để thầy cô rửa rồi chạy ùa về lớp. Thầy A Phiên và cô Quý lại cùng nhau dọn dẹp, rửa chén bát cho học sinh. Khi mọi việc xong, thầy Phiên mới tranh thủ về vội để ăn cơm cùng với gia đình và chuẩn bị cho tiết dạy buổi chiều.
“Cơm ở trường là nấu cho học trò, dù có trễ đến mấy mình cũng về nhà ăn cơm. Mình không ăn ở trường đâu, vì đây là đồ ăn của các con. Mình mà ăn thì hết của học trò mất. Các con ăn để lấy sức học con chữ, sau này mới có hy vọng thoát nghèo được”, thầy A Phiên nói.
Hiểu được tấm lòng của các thầy cô, người dân trong làng khi có bó củi, mớ rau đều mang ra góp với thầy cô để nấu cơm cho học sinh. Chị Y Sâm (SN 1978, thôn Văn Săng) cho biết, chị có hai người con đang học lớp 5 và lớp 7. Các con của chị được học tập ngoài trung tâm xã nên điều kiện ăn ở tốt hơn. Cứ đầu tuần chị chở các con ra trường học, đến cuối tuần lại đón về nhà.
“Mặc dù con mình không học ở điểm trường Tiểu học Đăk Ka, nhưng mình vẫn rất biết ơn tấm lòng của giáo viên nơi đây. Các thầy cô đã góp gạo, nấu cơm để giữ chân học sinh đến lớp. Bản thân mình luôn hy vọng các con học thật giỏi để sau này đỡ nghèo khổ như bố mẹ chúng.
Do đó, khi có bó củi, mớ rau mình đều mang qua bếp tình thương để góp với giáo viên. Hôm nào không lên nương, mình phụ thầy cô nấu cơm, rửa bát. Mình hy vọng rằng các giáo viên sẽ mang đến con chữ, những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em trong làng”, chị Y Sâm nói.
Thầy An Văn Sáu - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Trên địa bàn hầu hết các trường đều khó khăn, nằm ở vùng đồi núi hiểm trở. Đồng thời, các phụ huynh còn chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục nên các giáo viên phải rất vất vả đi vận động học sinh đến trường.
Để duy trì sĩ số và tăng chất lượng giáo dục, một số trường trên địa bàn huyện đã tổ chức “bếp tình thương” để giữ chân học trò. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phát động phong trào các trường nuôi gà, heo để cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Dù các trường ở vùng khó khăn nhưng nhiều giáo viên trẻ ở các tỉnh thành khác nhau đến giảng dạy. Trải qua hàng chục năm, đầu hai thứ tóc nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ với rừng xanh để gieo chữ cho học trò.
Chúng tôi luôn ghi nhận và tự hào với sự đóng góp của cán bộ giáo viên nơi đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ để các em học sinh vững bước đến trường.”
Theo Phạm Hoàng/dantri.com.vn