Cập nhật: 16/11/2020 14:22:00
Xem cỡ chữ

Chương trình tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã, đang thầm lặng vượt khó, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.

Thầy giáo Hoàng Đức Mạnh - Trường THCS Lê Thanh ( huyện Mỹ Đức, Hà Nội) (thứ 2 từ phải sang) giao lưu với các học trò tại chương trình. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Thay lời tri ân năm 2020 với chủ đề "Hạnh phúc."

Chương trình tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã, đang thầm lặng vượt khó, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 183 thầy cô giáo tiểu biểu đại diện cho hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục đã có mặt trong chương trình.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhắc đến những những khó khăn của năm học 2020-2021 khi ngành giáo dục đào tạo phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép: bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh, vừa phải hoàn thành kế hoạch giảng dạy khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Không những vậy, thời gian gần đây, lũ lụt hoành hành tại miền Trung, nhiều thầy cô giáo mất hết nhà cửa nhưng vẫn phải cố gắng giữ vững, giúp học sinh vượt qua khó khăn thiếu thốn, chống lũ, để kịp đưa học sinh sớm trở lại trường.

Bên cạnh đó, đây cũng là năm học đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bước đi quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu. (Ảnh : Hoàng Hiếu/TTXVN)

Kết quả của việc đổi mới này sẽ tác động rất lớn đến tương lai đất nước. Vì vậy, thầy cô giáo đều xác định rõ vai trò, trách nhiệm để nỗ lực thực hiện tốt.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hạnh phúc bình dị của các thầy cô giáo dù có vất vả, gian truân nhưng đều được đền đáp bằng niềm vui đến trường và sự trưởng thành của học sinh.

Qua đây, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy, cô giáo dù còn nhiều khó khăn nhưng đã, đang cống hiến không mệt mỏi để hoàn thành tốt ''sự nghiệp trồng người."

Bộ trưởng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai gửi đến các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, những người đang tham gia góp phần cho công tác giáo dục-đào tạo lời cảm ơn trân trọng; lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định năm 2020, đất nước chịu tác động rất lớn của dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Ngành giáo dục-đào tạo đi qua một năm học đặc biệt trong điều kiện những biến động, xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động dạy-học.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Trong tình hình đó, với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học," bằng các phương pháp, hình thức phù hợp, toàn ngành giáo dục-đào tạo đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành chương trình năm học, với việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông thành 2 đợt, có kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp, đã tạo sự yên tâm cho gia đình, xã hội, bảo đảm được quyền tiếp cận công bằng cho học sinh.

Để có được kết quả đó, ngành giáo dục-đào tạo cùng với đội ngũ thầy, cô giáo đã có nhiều nỗ lực vượt qua những khó khăn để có thể vừa đảm bảo dạy-học, vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Những tháng qua, các tỉnh miền Trung lại chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thầy cô giáo có một lần nữa vất vả chồng chất, khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo điều kiện cần thiết cho học sinh sớm trở lại trường.

Đến thời điểm này, ở một số trường ở miền Trung, các em vẫn chưa thể tới trường lại được. Không thể nói hết những tấm lòng, sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô, tất cả vì học sinh thân yêu.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, mỗi người trong cuộc sống có thể lựa chọn cho mình những quan điểm khác nhau về hạnh phúc.

Đối với người thầy, hạnh phúc đó chính là nâng đỡ, chăm sóc cho học sinh đến trường, từng bước trưởng thành, thực hiện lý tưởng cao cả ươm trồng thế hệ tương lai - nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước phát triển.

Dù ở thành phố hay nông thôn, vùng cao hay vùng núi đều có hình ảnh của các thầy, cô tận tụy phục vụ cho lý tưởng cao cả đó, mang lại niềm tin cho các thế hệ nối tiếp nhau vững bước cho sự kiện phát triển và cho một ước mơ: Việt Nam sẽ bước qua người thu nhập trung bình trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ này.

Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định giáo dục-đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Phát triển giáo dục-đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.

Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, trong đó có việc chăm lo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người.

Nhà giáo luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội trân trọng và xem đó là nghề cao quý. Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn xem vấn đề then chốt, quyết định giáo dục chính là đội ngũ các thầy cô giáo, những người dẫn dắt cho thế hệ trẻ; mang niềm tin, lý tưởng, nhân cách đạo đức, kiến thức đến cho các em để sau này trở thành rường cột của nước nhà...

Những yêu cầu, mục tiêu tiếp theo của đất nước đang đặt ra trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không thể thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không thể đổi mới sáng tạo để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục-đào tạo cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức của giai đoạn đổi mới.

Để đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong các thầy, cô giáo sẽ luôn yêu nghề, giữ vững niềm tin, luôn có được niềm tin yêu từ học sinh, nỗ lực không ngừng cho thế hệ trẻ Việt Nam, tương lai của đất nước Việt Nam.

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, các bậc phụ huynh và toàn xã hội dành sự ủng hộ, tình cảm cho ngành giáo dục-đào tạo, góp phần chăm lo cho thế hệ trẻ trưởng thành; mong các học sinh trong cả nước sẽ luôn dành tình cảm trân trọng, cố gắng phấn đấu rèn luyện trở thành người tốt để đáp lại công lao to lớn của các thầy, cô giáo.

Dịp này, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã gửi tặng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông, Kon Tum số tiền 200 triệu đồng để hỗ trợ các thầy cô có thêm kinh phí nấu cơm trưa cho học sinh ở lại lớp; gửi lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân có những đóng góp để hỗ trợ các trường dân tộc thiểu số, để giúp đỡ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp tục đến trường.

Thay lời tri ân năm 2020 đã đưa khán giả đi tới mọi miền Tổ quốc qua những câu chuyện giản dị nhưng đầy sức lan tỏa, lay động.

Thầy giáo Thái Thành Thuận - Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang - chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Thông qua các phóng sự và giao giao lưu trực tiếp, khán giả được lắng nghe câu chuyện của người giáo viên cắm bản vượt lũ ở Quảng Bình; sáng kiến tự gây quỹ nấu cơm trưa giữ học sinh ở lại lớp của thầy cô ở vùng sâu vùng xa Kon Tum.

Hay, đơn giản là hạnh phúc khi dạy các em học sinh "cá biệt'' nên người của người thầy ở Hà Nội; người thầy giáo bị tai nạn bất ngờ nhưng đã vượt qua khó khăn, trở lại với học sinh thân yêu trên chiếc xe lăn điện tại Tiền Giang...

Thầy Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường dân tộc Nội trú-Trung học Cơ sở Bố Trạch tỉnh Quảng Bình; cô Hồ Thị Thùy Vân và thầy A Phiên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông, Kon Tum; thầy Hoàng Đức Mạnh, Trường Trung học Cơ sở Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội; thầy Thái Thành Thuận, Trường Trung học Cơ sở Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường Trung học Phổ thông Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ - người vừa được Tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 đã giao lưu trực tiếp tại chương trình.

Với mỗi nghề nghiệp, định nghĩa về "hạnh phúc" khác nhau. Nhưng có một nghề cao quý mà ở đó thầy cô chọn cho mình công việc gắn bó với phấn, bảng, với học trò - đó là sự cống hiến tất cả vì những học sinh thân yêu.

Vui có, buồn cũng có nhưng trên hết là cảm xúc lâng lâng khi được thấy những học sinh trưởng thành. Hạnh phúc đó thật giản đơn nhưng cũng thật cao quý./.

Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 16/11/2020

https://www.vietnamplus.vn/thay-loi-tri-an-nam-2020-hanh-phuc-gian-di-cua-cac-thay-co-giao/677031.vnp