Một số giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều vẫn mắc nhiều lỗi không đáng có, thậm chí "càng sửa càng sai".
Nhà Xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã công bố tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều để xin ý kiến nhân dân đến hết ngày 20/11, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định lần cuối. Một số giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, tài liệu vẫn mắc nhiều lỗi không đáng có, thậm chí "càng sửa càng sai".
Năm đầu tiên triển khai dạy học theo sách giáo khoa mới, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổ trưởng chuyên môn, trường Tiểu học Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định rất hào hứng khi tiếp cận với bộ sách có hình thức đẹp, màu sắc bắt mắt, hình ảnh minh họa phong phú. Thế nhưng những từ ngữ khó hiểu, hoặc rất ít dùng trong cuộc sống lại được các tác giả của sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều đưa vào làm ngữ liệu trong các bài học vần khiến cô khá vất vả để làm quen và dạy học sinh.
Trong khi chờ đơn vị xuất bản sách chỉnh sửa sách theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô đã chủ động thay thế các bài đọc hoặc dùng những từ ngữ dễ hiểu, thông dụng, gần gũi với học sinh. Khi Nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đăng tải tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trên trang web của bộ sách Cánh Diều, cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã tìm hiểu để chuẩn bị giảng dạy khi tài liệu được ban hành chính thức. Tuy nhiên theo cô Thủy, không ít ngữ liệu thay thế cũng chưa thật hợp lý.
"Về ngữ liệu trong các bài tập đọc mà sách đã thay đổi thì nó không phạm phải những từ ngữ khó hiểu đối với học sinh, hoặc là một số từ ngữ mà mình ít dùng. Tuy nhiên, tôi thấy ví dụ như ở nội dung bài tập đọc “Chăm bà”, bài tập đọc vần “ăm”, vần “ắp”, tôi thấy có một từ giống câu là “Thắm đưa sữa cho bà” thì theo ý kiến của cá nhân tôi là có thể thay từ “đưa” bằng từ “pha”. Bởi vì khi “bé đưa cho bà” thì nghe từ “đưa” đấy về mặt lễ phép với người lớn tuổi thì mình dùng từ “pha sữa cho bà” thì sẽ hợp lý hơn", cô Thủy chia sẻ.
Một số giáo viên cũng nhận định, hầu hết những phần ngữ liệu gây bức xúc trong dư luận thời gian qua đều được Nhà xuất bản đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh bổ sung ngữ liệu mới đã phần nào gỡ khó cho giáo viên khi dạy học. Tuy vậy, tài liệu vẫn mắc những lỗi sai mới về tính logic, ngôn ngữ. Đơn cử như câu “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” trong bài tập đọc “Thỏ thua rùa” trang 61 được thay bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”. Với câu này, xét về tính logic thì Thỏ la cà rong chơi chỗ nọ chỗ kia thì khó có thể lơ mơ ngủ được. Hay như “dưa đỏ” trang 58 được thay bằng “quả dưa”, giáo viên sẽ phải giải thích có nhiều loại dưa, còn trong hình minh họa lại là quả dưa hấu. Một giáo viên tiểu học ở tỉnh Quảng Bình thì cho rằng, tài liệu vẫn còn khá nhiều từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
"Tôi thấy những từ ngữ được cư dân mạng có ý kiến thì đã được chỉnh sửa, thay thế. Tuy nhiên, những từ ngữ được thay thế, chỉnh sửa thì còn rất nhiều vấn đề và nó chưa rõ nghĩa. Kèm theo đó là những hình ảnh giải thích cũng chưa rõ ràng khiến cho giáo viên chúng tôi rất khó khăn khi giải thích cho học sinh hiểu", một giáo viên tiểu học ở Quảng Bình cho hay.
Nhận định về tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông lại cho rằng, tài liệu này không đạt yêu cầu bởi tiếp tục mắc những sai lầm về mặt chuyên môn.
"Tôi cho rằng tài liệu chỉnh sửa này chất lượng quá kém và không thể đạt được yêu cầu. Hay nói một cách khác, không thể dùng nó để thay thế tài liệu cũ, hoặc bổ sung cái thiếu. Bởi vì chính tài liệu này lại mắc những sai lầm rất nghiêm trọng mà không thể nào có thể thông cảm được về mặt chuyên môn. Cái sai lầm này ở rất nhiều phương diện, về tư duy về ngôn ngữ, về quan điểm biên soạn, rồi về tính logic, tính hệ thống, có thể nói là toàn diện các vấn đề. Các yêu cầu đối với bộ sách dạy Tiếng Việt thì không đạt được", Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.
Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt đề cập một loạt ví dụ cụ thể về tính khập khiễng và không khoa học trong tài liệu điều chỉnh của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, trong đó nhiều câu văn, hình ảnh minh họa cho thấy sự chắp vá, khập khiễng có thể làm hỏng tư duy của học sinh. Trong hình ảnh minh họa “phố rất tấp nập” nhưng mở ra lại là một con phố rất đìu hiu, quạnh vắng… Hay bài tập đọc “Sáng sớm trên biển”, “Chăm bà” sai về tính logic, không đúng nghĩa của từ…
Một số ý kiến cũng cho rằng, với sách giáo khoa mà học sinh phải mang thêm tài liệu chỉnh sửa gồm 12 trang gây thêm khó khăn cho học sinh, trong khi vẫn mắc nhiều lỗi sai như vậy thì nên có phương án khác phù hợp hơn./.
Theo Minh Hường/VOV1 - Ngày 26/11/2020