Cuối năm, nhất là dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán luôn là thời gian cao điểm trong hoạt động kinh doanh và bán hàng trực tuyến, bởi vì hình thức này đem lại cho người mua hàng nhiều tiện dụng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Kim Cúc, trú tại khu chung cư Vinaconec cho biết, mới đây, để chuẩn bị cho ngày sinh nhật của con, chị đã tìm mua một chiếc váy trên mạng để làm quà tặng. Lướt trên các trang Facebook bán hàng trực tuyến, chị tìm được sản phẩm cần mua với tổng chi phí 250.000 đồng, bao gồm cả phí giao hàng. Sau khi nhận hàng, mở ra ở bên trong là một chiếc váy hoàn toàn không giống với hình ảnh và mô tả trên Facebook mà trước đó đã đặt. Chị Cúc đã liên hệ lại số điện thoại mà chị đã đặt hàng trước đó để phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “tiền nào của nấy”. Sau đó, số điện thoại đó bị khóa và chị không thể liên lạc được.
Từng là tín đồ mua hàng online, chị Ngô Thị Thanh Hương ở thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Khi mua hàng, chị đã tìm hiểu thấy ảnh sản phẩm này có rất nhiều lượt yêu thích và nhiều bình luận nên đã đặt hàng. Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm thì hoàn toàn không được như lời quảng cáo. Chị Hương đã đặt mua 2 chiếc áo phông, mà shop lại gửi cho 2 chiếc áo cũ kĩ, xù lông, kích thước quá khổ. Khi chị nhắn tin hỏi shop thì không nhận được câu trả lời. Gọi điện thì bị chặn số.
Hoạt động mua bán hàng trực tuyến mang lại rất nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua, như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, bởi chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua từ những sản phẩm có giá trị lớn như máy điều hòa, tủ lạnh, cho đến những món hàng thiết yếu như giấy ăn, sữa tắm, quần áo… và được giao đến tận nhà. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy và rủi ro như trường hợp của chị Cúc, chị Hương là những ví dụ điển hình.
Theo các cơ quan chức năng, khó khăn trong việc kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến là các nhà bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ, cho nên việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu là rất khó. Bên cạnh đó, một trong những thủ đoạn phổ biến hiện nay là người bán sử dụng hình ảnh thật của hàng hóa, sản phẩm chính hãng để quảng cáo nhưng lại chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng không giống với hàng thật cả về chất lượng và mẫu mã. Đáng lưu ý, các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh, khó kiểm soát, do vậy hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng khó ngăn chặn, kiểm soát triệt để.
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử đã quy định rõ: Sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, thông tin bán trên mạng là ảo cho nên rất khó quy trách nhiệm người bán. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng lại không mấy quan tâm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà chủ yếu quan tâm tới giá cả đắt hay rẻ. Do vậy, chính người tiêu dùng cũng đã góp phần tạo ra “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi thực hiện mua bán trực tuyến. Để ngăn chặn tình trạng này, người tiêu dùng cần có những nhận thức đúng trong việc mua sắm trực tuyến một cách an toàn./.
Thu Thủy