Cập nhật: 07/12/2020 10:34:00
Xem cỡ chữ

Để tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, nhiều nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đang hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Với mong muốn làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Văn Thất, thôn Cam Giá, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa. Khác với chăn nuôi truyền thống, toàn bộ đàn bò thịt của gia đình ông đều là sản phẩm của phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh nhập ngoại chất lượng cao. Nhờ đó, đàn bò luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Hỗ trợ giống lúa chất lượng cao để thay thế dần các giống lúa kém chất lượng, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp được xác định là một trong những giải pháp quan trọng phát triển ngành hàng lúa gạo của Vĩnh Phúc trong chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp. Chính sách này tiếp tục đem lại cho nông dân các địa phương trong tỉnh nhiều mùa vụ thắng lợi.

Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp Vĩnh Phúc 5 năm qua phải kể đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 12.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả; hỗ trợ gần 98.000 ha các giống lúa cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, chiếm 75% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh; gần 16.000 ha rau, quả sản xuất hàng hóa và trên 67.000 ha cây vụ Đông được nhận hỗ trợ. Trong chăn nuôi, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi, các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Quy mô, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 của Vĩnh Phúc tăng 1,2 lần so với năm 2015.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với giá trị gia tăng cao. Trong đó tập trung nguồn lực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; đẩy mạnh dồn thửa, đổi ruộng và ứng dụng các tiến bộ Khoa học - Công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học; nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Đặng Thưởng