Du lịch làng nghề là một trong những thế mạnh của Hà Nội. Bên cạnh các dịch vụ tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng, bán các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch được ví là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”. Song làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển, đáp ứng yêu cầu khách hàng là vấn đề thành phố đang cần tháo gỡ.
Khách hàng tham quan quy trình sản xuất lụa tơ tằm tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, điển hình như: gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín); quạt Chàng Sơn; mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), làng nón Chuông (huyện Thanh Oai)… Trong đó, một lượng lớn sản phẩm của các làng nghề được tiêu thụ bởi khách du lịch. Tuy nhiên, khách du lịch đến Hà Nội vẫn ít chi tiêu vào hoạt động mua sắm, trong đó có mua sản phẩm lưu niệm. Mặt khác, sản phẩm lưu niệm trên thị trường còn bị cạnh tranh gay gắt bởi các mặt hàng nước ngoài.
Ngoài nhược điểm về thiết kế mẫu mã đã được nhiều chuyên gia phân tích, một trong những điểm yếu nhất của sản phẩm làng nghề hiện nay là công tác tuyên truyền, quảng bá. Nghệ nhân giỏi tay nghề, nhưng thiếu kinh nghiệm, tài chính và hiểu biết công nghệ, cho nên không tiếp cận được khách hàng qua không gian mạng. Chủ tịch câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng nhận định: “Các làng nghề hiện nay chủ yếu đưa ra cái mình có, thiếu tính kết nối với các điểm đến để tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của du khách. Không những vậy, các làng nghề không có nhiều sản phẩm mới và quan trọng là chưa thể hiện rõ nét riêng. Bao bì, mẫu mã sản phẩm thiếu hấp dẫn; công tác quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư thích đáng...”.
Nhận thức được những hạn chế này, nhiều cơ sở đã tìm giải pháp đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm. Theo nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ), bên cạnh những mặt hàng truyền thống như giỏ mây, bàn ghế mây, cơ sở sản xuất của ông đã sáng tạo sản phẩm mới phù hợp thị hiếu của du khách trẻ như vòng tay, nhẫn làm bằng mây, tre.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) Đỗ Hùng Chiêu cho biết, nhiều sản phẩm sơn mài của làng Hạ Thái đã có sự cải thiện về mẫu mã, được khách nước ngoài ưa thích, như sản phẩm lưu niệm cô gái Việt Nam đội nón, hộp trang sức… Một số doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề đã lập trang web, khai thác mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, nếu chỉ có nghệ nhân nỗ lực là chưa đủ. Để hỗ trợ cho sản phẩm lưu niệm làng nghề, những năm gần đây, Sở Công thương phối hợp Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hoạt động này đã góp phần kích thích khả năng sáng tạo, cho ra đời những mẫu sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, trong đó có sản phẩm dành cho du lịch.
Chủ tịch Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Hùng Chiêu cho biết: “Sản phẩm sơn mài Hạ Thái cũng như các làng nghề rất cần một đầu mối giới thiệu, quảng bá về sản phẩm làng nghề, du lịch làng nghề để kích thích nhu cầu khách đến tham quan và mua sản phẩm”. Góp phần giải quyết nhu cầu này, Sở Du lịch Hà Nội đã tích hợp quảng bá sản phẩm làng nghề trên Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội. Cổng thông tin có cả trang web lẫn ứng dụng điện thoại, tạo thuận lợi cho người truy cập.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sắp tới, Sở sẽ ứng dụng giới thiệu sản phẩm làng nghề bằng công nghệ 3D, phát triển trên nền tảng điện thoại thông minh. Mọi người có thể ngắm sản phẩm y như thật, tùy ý di chuyển các mẫu vật vào không gian thực được hiển thị để xem xét độ phù hợp, kích thích nhu cầu mua sắm. Ngoài ra, các sản phẩm đều có thông tin về làng nghề, nghệ nhân sản xuất. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ khách hàng trong lựa chọn sản phẩm, tạo sức hút, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm.
Theo GIANG NAM/nhandan.com.vn - Ngày 05/12/2020