Cập nhật: 21/12/2020 08:49:00
Xem cỡ chữ

Bộ GD-ĐT đang ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (sau đây gọi tắt là đơn vị tổ chức thi) bao gồm: Trường đại học đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học đối với chương trình đào tạo ngành ngoại ngữ đúng với ngoại ngữ tổ chức thi và đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ: tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc sở GD-ĐT (nếu được Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền) quyết định thành lập, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo ngành ngoại ngữ: được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ thông).

Đặc biệt, dự thảo cũng yêu cầu các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính. Trong đó, kỹ năng nói được tổ chức bằng hình thức thi nói trực tiếp hoặc thi trên máy vi tính. Đối với từng kỳ thi, dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay thi trên máy vi tính, thi nói trực tiếp hay thi nói trên máy vi tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Từ năm 2022, tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy vi tính.

Dự thảo của Bộ GD-ĐT cũng nêu các trường tổ chức thi phải có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin: định dạng đề thi, đề thi minh họa, hình thức thi, danh sách thí sinh đăng ký dự thi, thông báo lịch thi, địa điểm thi, kết quả thi, hệ thống tra cứu xác minh kết quả thi.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục này cũng cần có ngân hàng câu hỏi thi và đề thi được xây dựng từ ngân hàng câu hỏi thi đáp ứng quy định.

Từ năm 2021, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông: đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 50 đề thi; đối với môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó, số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.

Từ năm 2021, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho các đối tượng khác: đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 100 đề thi; đối với môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó, số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.

Các đơn vị có thể phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với các tổ chức có chức năng khảo thí đã có ngân hàng câu hỏi thi, đề thi được xây dựng, quản lý đáp ứng các quy định của Quy chế này; bảo đảm phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên phối hợp và báo cáo Bộ GD-ĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) trước khi triển khai tổ chức thi.

Các thành viên Ban Chấm thi phải tuân thủ sự phân công của Trưởng Ban Chấm thi, bảo đảm chấm theo đúng hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của kỳ thi. Mỗi bài thi viết, thi nói phải được hai cán bộ chấm thi chấm độc lập ở 2 nơi cách biệt nhau (trừ trường hợp thi kỹ năng nói trực tiếp). Quy trình chấm 2 vòng độc lập áp dụng như quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - Ngày 20/12/2020