Cập nhật: 07/12/2020 15:25:00
Xem cỡ chữ

Công tác khuyến nông đóng một vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả, được bà con nông dân đón nhận và hưởng ứng cao.

Năm 2020, dịch Covid -19 đã gây ảnh hưởng đến tất cả các ngành, các lĩnh vực; bên cạnh đó giá cả thị trường giống, vật tư, phí vận chuyển, công lao động luôn biến động, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất nông sản, thực phẩm nên công tác Khuyến nông cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp để đưa sản xuất nông nghiệp của Tỉnh tiếp tục phát triển.

Thực hiện việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất lúa cho nông dân, năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa với diện tích 300 ha tại các xã như Ngũ Kiên, Cao Đai, Tân Phong, Phú Xuân. Để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng xã Phú Xuân là địa phương đã hết sức nỗ lực trong việc triển khai công tác này. Toàn bộ diện tích làm đất, gieo mạ khay, cấy máy và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp được Phú Xuân áp dụng đạt kết quả tốt.

Ngay vụ đầu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, cách làm này đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nông dân trong xã. Trước khi áp dụng, HTX đã chuyển đổi diện tích sản xuất theo hướng liền thửa, thuận tiện cho máy làm đất, cấy, gặt nên giá các dịch vụ cũng giảm rất nhiều so với ruộng manh mún từng hộ như trước.

Theo hạch toán thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa, khi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất tổng chi phí cho các khâu từ làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, gặt bằng máy chỉ khoảng 580 nghìn đồng, giảm gần 1/3 so với trước đây. Việc cơ giới hóa đồng bộ cũng giúp nông dân giải quyết được sức ép về thời vụ gieo cấy. Đặc biệt năm 2020, do thời tiết đầu vụ xuân  âm u kéo dài nên cây lúa ở các tỉnh phía Bắc có thời gian sinh trưởng dài hơn từ 7-10 ngày. Điều này tạo sức ép rất lớn về thời gian thu hoạch lúa xuân phải nhanh nhất có thể để kịp thời gieo cấy vụ mùa 2020. Trong điều kiện đó, việc cơ giới hóa, thu hoạch đồng bộ đã tạo rất nhiều thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của ngành nông nghiệp.

Năm 2020, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm các Hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 2.900ha tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Tham gia mô hình các ngoài được hỗ trợ hạt giống; các loại vật tư; còn được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốcvà tem, nhãn sản phẩm. Kết quả mô hình sản phẩm rau sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, rau đảm bảo an toàn, được bao gói với mẫu mã đẹp và được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Vì thế, giá bán rau đạt cao 7.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, người sản xuất thu lãi từ 3,2 triệu đồng/sào (cao hơn so với cách làm thông thường 2,8 triệu đồng/sào).

Thực hiện mô hình chuyển đổi đất đồi trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Với quy mô thực hiện 14 ha, tại huyện Lập Thạch, Sông Lô và Tam Đảo. Với mục đích đẩy mạnh phát triển và đưa cây bưởi, cây na vào trồng trên vùng đất đồi thấp nhằm thay thế các loại cây lâm nghiệp kém hiệu quả như bạch đàn, keo... Đồng thời xác định được giống bưởi mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt dự toán hỗ trợ mua máy nông nghiệp năm 2020, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ nông dân các địa phương trong tỉnh mua máy nông nghiệp được 823 máy, trong đó có máy vắt sữa bò; máy nghiền trộn thức ăn cho lợn, gà; máy làm đất; máy gieo hạt; máy cấy và máy gặt đập liên hợp. Việc hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm sức lao động cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo và Bình Xuyên. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ, hướng dẫn và thành lập được HTX chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Văn Quán của huyện Lập Thạch. Đã tiến hành hỗ trợ vật tư cho 100 con lợn (lứa 1) và tập huấn kỹ thuật cho các xã viên và các hộ có nhu cầu học hỏi kỹ thuật chăn nuôi lợn hữu cơ trên địa bàn xã. Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng hữu cơ với quy mô 4.000 con trên địa bàn huyện Sông Lô. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ, hướng dẫn và thành lập HTX nông nghiệp xanh Đồng Thịnh tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô với 7 thành viên tham gia chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng hữu cơ. Đã tiến hành mua và cấp phát 2.000 con gà Ri lai thương phẩm (lứa 1) cho 02 hộ xã viên của HTX, và đã cấp phát vật tư cho các hộ tham gia mô hình.

Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tiếp tập trung chuyển giao công nghệ kỹ thuật, đồng hành với người nông dân trong các mô hình sản xuất, giúp người nông dân tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể khẳng định, thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông, đã đưa đến cho người nông dân nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới. Qua đó, người nông dân được tiếp cận, tập huấn với nhiều nghề nông nghiệp mới, không chỉ tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế mà từng bước làm thay đổi trong tập quán sản xuất cũ của bà con nông dân, từ đó giúp người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình./.

Lê Dũng