Cập nhật: 24/12/2020 09:11:00
Xem cỡ chữ

Theo đó, rút ngắn thời gian xếp hàng, chờ đợi của người dân, với lộ trình cụ thể là năm 2021, tối đa là 30 phút/trường hợp và đến năm 2023, tối đa còn 15 phút/trường hợp.

Chiều 23/12, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với ban soạn thảo Đề án “Thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin - giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, 59/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) như: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Tháp, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cơ chế một cửa, một cửa liên thông là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức; đồng thời, điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy và đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính Nhà nước.

“Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã cơ bản thay đổi bộ mặt của cơ quan hành chính các cấp, nâng cao chất lượng hiện đại hóa công sở hành chính theo chủ trương của Chính phủ. Ở nhiều tỉnh, thành phố, bộ phận một cửa đã được hiện đại hóa với việc ứng dụng công nghệ thông tin, theo đó, người dân, cán bộ có thể kiểm tra được quá trình giải quyết thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cách thuận tiện, đơn giản qua hệ thống máy vi tính, phần mềm tra cứu thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ; xác lập trật tự, kỷ cương mới trong quản lý thu phí và lệ phí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Mặt khác, cơ chế một cửa liên thông đã điều chỉnh mối quan hệ giữa nhân dân và công chức, tạo cơ chế giám sát, quản lý của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước; giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức thuộc quyền, thể hiện rõ bản chất của công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn những hạn chế chủ yếu như thẩm quyền giải quyết các TTHC còn cắt khúc nhiều cửa và khâu trung gian, chưa rõ ràng trong các quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý một số lĩnh vực. Cách thức giải quyết TTHC các cơ quan hành chính Nhà nước còn mang tính kinh nghiệm, thủ công, giấy tờ, chưa tích cực áp dụng những tiến bộ công nghệ tin học để phù hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Theo thống kê, số hồ sơ giấy chiếm tới 94,32%, song chưa được quan tâm số hóa và lưu trữ điện tử; đặc biệt không có giá trị khai thác để sử dụng lại đã tạo ra áp lực lớn đối với CBCCVC tại Bộ phận một cửa. Việc bố trí nhân sự tại Bộ phận một cửa còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc thiếu nguồn nhân lực, động lực để tối ưu hóa năng suất lao động, trong khi phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế...

Đây cũng là những vấn đề được các Bộ ngành, địa phương nêu ý kiến góp ý và hướng giải quyết như thuê đơn vị thực hiện số hóa; làm sao bố trí nhân lực để Bộ phận một cửa không bị “ách tắc”, hay tính đến đặc thù của từng địa phương khi triển khai đề án...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nêu ý kiến đóng góp cho Đề án “Thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Dự kiến, trong năm 2021, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Thời hạn hoàn thành đề án vào năm 2024.

Theo đó, xây dựng bộ phận một cửa hiện đại, hiệu quả, có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết tất cả các TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức (phi địa giới hành chính về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa).

Xây dựng Hệ thống thông tin một cửa điện tử hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới, có khả năng số hóa, có khả năng kết nối với các Kho dữ liệu cá nhân, Bản đồ nhiệt phân tích các dữ liệu… Theo đó, rút ngắn thời gian xếp hàng, chờ đợi của người dân, với lộ trình cụ thể là năm 2021, tối đa là 30 phút/trường hợp và đến năm 2023, tối đa còn 15 phút/trường hợp.

Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới là khoảng trên 8.800 tỷ đồng/năm. Trong đó, giảm số lượng Bộ phận Một cửa tiết kiệm được khoảng 2,076 tỷ đồng/năm; Tiết kiệm chi phí do tái sử dụng lại giấy tờ, tài liệu khoảng 2.518,75 tỷ đồng/năm…/.

Theo Thiên Bình/VOV.VN - Ngày 23/12/2020