Cập nhật: 25/12/2020 15:23:00
Xem cỡ chữ

Năm 2020, nhiều điều không may xảy ra với Iran. Hai nước Mỹ và Iran có những lúc đứng bên bờ vực chiến tranh. Dù hứng chịu thiệt hại lớn, Iran vẫn kiềm chế đến phút chót để giữ đại cục...

Vận đen suốt năm cho Iran

Năm 2020 là năm đen đủi từ đầu chí cuối đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Năm 2020 vừa bước sang ngày thứ 3 thì Qasem Soleimani - viên tướng có tầm ảnh hưởng lớn đứng hàng thứ 2 ở Iran, bị ám sát tức tưởi bằng rocket phóng đi từ máy bay không người lái của Mỹ. Iran không chỉ mất đi một viên tướng tài năng mà còn bị tổn hại về thể diện và tinh thần, khiến họ chịu áp lực phải có hành động đáp trả tương xứng.

Một thời gian ngắn sau đó, hàng loạt người Iran đã thiệt mạng do... giẫm đạp lên nhau trong tang lễ Soleimani.

Minh họa về vụ máy bay chở khách của Ukraine bị bắn rơi chỉ một thời gian sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 8/1/2020. Đồ họa: Daily Mail, chú thích tiếng Việt: Trung Hiếu.

Minh họa về vụ máy bay chở khách của Ukraine bị bắn rơi chỉ một thời gian sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 8/1/2020. Đồ họa: Daily Mail, chú thích tiếng Việt: Trung Hiếu.

Minh họa về vụ máy bay chở khách của Ukraine bị bắn rơi chỉ một thời gian sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 8/1/2020. Đồ họa: Daily Mail, chú thích tiếng Việt: Trung Hiếu.

Chưa hết, khi gồng mình sẵn sàng ứng phó với Mỹ sau thời điểm Iran phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù cho tướng Soleimani, lực lượng vũ trang Iran đã phạm sai lầm và bắn nhầm vào một máy bay thương mại chở khách của Ukraine khiến nhiều công dân Iran (đi trên chuyến bay đó) thiệt mạng. Cú bắn nhầm của phòng không Iran còn gây ra cái chết của nhiều công dân nước ngoài, khiến Iran vấp phải cả áp lực từ ngoài nước. Đây lại là một cuộc khủng hoảng nữa của Iran. Nước này đã tỏ ra lúng túng thực sự, lúc đầu phủ nhận chuyện phóng nhầm tên lửa, cho rằng đó là tuyên truyền chống phá của phương Tây, rồi về sau lại thừa nhận đã mắc sai lầm.

Tất cả các sự kiện trên diễn ra dồn dập trong tháng 1/2020.

Sau đó khi đại dịch Covid-19 vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc thì Iran chính là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Hàng loạt dân thường và quan chức cấp cao bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nhiều người trong số đó đã tử vong. Iran lại rơi vào một cuộc khủng hoảng nữa về y tế.

Nhưng vận đen vẫn chưa thôi đeo bám Iran. Vào cuối tháng 11/2020, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran - Mohsen Fakhrizadeh, đã bị ám sát ở ngoại ô thủ đô Tehran. Đây cũng là một sự kiện chấn động. Fakhrizadeh từng là tướng trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, là giảng viên vật lý tại Đại học Imam Hossein, và là một trong các nhà khoa học cao cấp có vai trò quan trọng hàng đầu trong chương trình hạt nhân đa lớp của Iran. Một số người coi ông là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran.

Ở Iran, Fakhrizadeh có tầm vóc tương tự như tướng Soleimani, người đã bị phi cơ không người lái Mỹ hạ sát vào đầu năm 2020. Cái chết của Fakhrizadeh là một tổn thất to lớn nữa cho phía Iran. Đặc biệt vụ ám sát Fakhrizadeh cũng rất táo tợn không kém vụ Mỹ không kích tiêu diệt tướng Soleimani. Điểm khác biệt nằm ở chỗ trong vụ thứ 2 này, bên thủ ác không xuất đầu lộ diện và họ có thể đã áp dụng công nghệ ám sát tự động bằng vũ khí điều khiển từ xa. Hiện vẫn còn nhiều bí ẩn trong cách thức ám sát Fakhrizadeh.

Ngoài những sự kiện trên, Iran còn hứng chịu áp lực thường trực từ chính quyền Tổng thống Mỹ Trump trong cả năm 2020. Quốc gia Hồi giáo Trung Đông này vẫn gặp khó khăn lớn về kinh tế do bị bao vây cấm vận ngặt nghèo và họ chỉ mong ngày mong đêm được thoát khỏi thế bao vây cấm vận đó.

Tính toán sâu hiểm và tàn khốc của Mỹ và 1 nước bí mật

Vụ Mỹ ám sát tướng Iran Soleimani vào ngày 3/1/2020 và vụ một thế lực bí mật ám sát nhà khoa học Iran Fakhrizadeh vào ngày 27/11/2020 đều chưa từng có tiền lệ. Phía sau 2 vụ ám sát đều có những tính toán chính trị phức tạp và lạnh lùng.

Trong vụ thứ nhất, Mỹ đã ra tay hết sức bất ngờ. Tổng thống Trump xác định, ông Soleimani phải chết. Sau đó tình báo và quân đội Mỹ đã phối hợp hoàn hảo để triển khai vụ ám sát bằng phi cơ không người lái (UAV) vũ trang bất chấp luật pháp quốc tế. Cuộc không kích này táo tợn ở chỗ nó diễn ra trên đất Iraq, trái với thỏa thuận giữa Mỹ và Iraq, và xâm phạm chủ quyền của Iraq, theo như chính lời của các quan chức cấp cao trong chính phủ Iraq. Còn Nga cũng đã lên tiếng khẳng định rằng vụ ám sát do Mỹ tiến hành là “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế”. Đã vậy, sau khi thực hiện trót lọt vụ ám sát, Mỹ công khai thừa nhận mình đã làm vậy và tiếp tục lên án Soleimani và Iran.

Với 4 quả tên lửa Hellfire phóng vào 2 chiếc ô tô, quân đội Mỹ đã xé nát viên tướng Iran Soleimani, một viên chỉ huy lực lượng dân quân Iraq thân Iran, và một số trợ lý của hai người này.

Chính quyền Mỹ dưới thời Trump có nhiều động cơ để thực hiện vụ ám sát tướng Iran. Thứ nhất, họ muốn trả thù cho binh sĩ Mỹ tử trận ở chiến trường Iraq kể từ năm 2003 và các vụ phóng rocket vào các căn cứ của liên quân ở đây. Thứ 2, họ muốn tung ra đòn răn đe để ngăn chặn các cuộc biểu tình và tình trạng người biểu tình Iraq xông thẳng vào đại sứ quán Mỹ ở đây, đe dọa sinh mạng người Mỹ nói chung và Đại sứ Mỹ nói riêng (các vụ biểu tình bạo lực này nổ ra vào tháng 11/2019). Thứ 3, họ muốn răn đe giới lãnh đạo cấp cao của Iran. Thứ 4, Tổng thống Trump và đội ngũ của mình muốn tạo dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo Trump cứng rắn “nói được làm được” để tranh thủ cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2020. Thứ 5, có thể chính quyền Trump muốn gửi thông điệp cứng rắn tới cả chế độ Triều Tiên sau khi hai bên bế tắc trong đàm phán hạt nhân.

Còn trong vụ ám sát thứ 2, thế lực bí mật chỉ đạo giết nhà khoa học Iran có thể mong muốn kích động Iran thực hiện biện pháp trả đũa cực đoan và tự đẩy bản thân vào thế chiến tranh với Mỹ, từ đó vô tình làm lợi cho thế lực ngầm đó (muốn có chiến tranh giữa Mỹ và Iran – đối thủ của họ). Cũng có giả thuyết, ông Donald Trump muốn kiếm cớ phát động chiến tranh với Iran để có điều kiện giữ ghế tổng thống Mỹ sau khi ông có nhiều dấu hiệu thất thế trước ứng viên Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2020.

Áp lực tâm lý quá lớn đổ dồn lên Iran và cách ứng phó của nước này

Trước năm 2020, nội tình Iran đã có nhiều mệt mỏi, căng thẳng. Những sự kiện nói trên như đổ thêm dầu vào lửa, khiến Iran nếu mất bình tĩnh thì sẽ dễ mắc thêm nhiều sai lầm nghiêm trọng.

Trong các vụ ám sát và bắn nhầm máy bay nêu trên, Iran không chỉ bị thiệt hại về sinh mạng và nhân sự cấp cao, họ còn bị đặt dưới những áp lực nặng nề.

Với vụ ám sát tướng Soleimani, chính quyền Iran rơi vào thế phải đáp trả để giữ thể diện. Tuy nhiên, sự đáp trả đó phải chính xác và chừng mực, nếu không tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát khiến Iran lại bị dồn tiếp vào những thế khó mới.

Mọi thứ thật khó lường như vậy nên thế giới đã hồi hộp nín thở chờ đợi Iran đáp trả Mỹ. Và Iran đã bắn thật, với một loạt 22 quả tên lửa đạn đạo phóng từ lãnh thổ Iran sang Iraq, rơi xuống 2 căn cứ có quân Mỹ đồn trú vào sáng sớm ngày 8/1/2020 (theo giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên Iran tấn công trực diện vào Mỹ về mặt quân sự kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắn rất chính xác, trúng được nhiều mục tiêu bên trong 2 căn cứ trên, bao gồm nhiều tòa nhà của căn cứ.

Đáng lưu ý, Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo uy lực như vậy nhưng lại không gây thiệt hại về người cho cả Iraq và Mỹ (theo xác nhận của hai nước này).

Ngay trước giờ bắn, Iran đã kịp thông báo cho đồng minh Iraq để thể hiện sự tôn trọng cũng như để giúp Iraq sơ tán người kịp thời trước làn đạn của Iran (mà khi Iran làm thế, Mỹ cũng sẽ được biết thông tin đó nhờ vào quan hệ Mỹ-Iraq hiện nay). Không những vậy, Iran còn tấn công vào sáng sớm, vào giờ lính Mỹ cơ bản đi ngủ, không tuần tra huấn luyện. Các căn cứ bị tấn công lại nằm ở vùng xa, hẻo lánh, dân cư thưa thớt.

Thực tế này cho thấy có khả năng cao là Iran cố tình bắn không trúng lính Mỹ và không gây thương vong cho lính Mỹ, nhưng vẫn phô diễn được vũ khí và trình độ bắn chính xác của mình.

Cách trả đũa bằng tên lửa đạn đạo tuy mạo hiểm nhưng vẫn ít rủi ro thất bại hơn so với dùng máy bay ném bom hoặc phi cơ không người lái (khó thực hiện hơn), đồng thời thể hiện được năng lực tiêu diệt hàng loạt (nên có sức răn đe lớn).

Có thể nói, Iran tuy có tiến nhưng vẫn chủ động lùi vì họ biết thế khó của mình – đã bị bao vây bao năm và không có nhiều đồng minh tin cậy và đủ lớn, sẵn sàng sống chết vì mình. Nói cách khác, Iran đã tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy khiêu khích của đối phương.

Tình hình lặp lại với Iran vào cuối tháng 11 khi nhà khoa học hạt nhân Iran Fakhrizadeh bị ám sát giữa thanh thiên bạch nhật ngay gần thủ đô Tehran. Lần này, đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình ở Iran không chỉ nhằm vào Mỹ mà còn nhằm vào cả chính giới Iran.

Tất nhiên, chính quyền Iran đã phải lên tiếng cứng rắn chỉ trích những thế lực đã thực hiện vụ ám sát mới nhất này. Nhưng về cơ bản, họ chỉ dừng lại ở các tuyên bố chứ không mạo hiểm thực hiện hành động đáp trả trên thực địa. Có lẽ Iran ý thức rõ họ đang bị giăng bẫy. Đồng thời trong vụ ám sát thứ 2 này, bên ám sát không công khai ra mặt nên họ càng không chịu áp lực phải phản đòn dữ dội. Hơn nữa, họ đã thấy rõ triển vọng ông Biden sẽ thay thế ông Trump làm tổng thống Mỹ và khả năng nước Mỹ quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong bối cảnh đó, với Iran, “một điều nhịn là 9 điều lành”.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN – Ngày 25/12/2020