Biến chủng SARS-CoV-2 với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng thậm chí còn nguy hiểm và đáng lo ngại hơn loại biến chủng gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn.
Sự xuất hiện của 2 biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi với khả năng lây nhiễm cao hơn đã gây ra những vấn đề thực sự đáng lo ngại. Dưới đây là những điều chúng ta đã biết và chưa biết về các biến chủng này.
Những người từ 65 tuổi trở lên xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19 ở Sarasota, Florida ngày 4/1/2021. Ảnh: Reuters
Nguồn gốc sự xuất hiện của các biến chủng
Tất cả virus đều biến chủng khi chúng sao chép để thích nghi với môi trường. Các nhà khoa học đã theo dõi được nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2 gây nên dịch bệnh Covid-19 kể từ khi nó xuất hiện vào cuối năm 2019.
Đa số các biến chủng đều không thay đổi đáng kể mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của trường Cao đẳng Hoàng gia London, biến chủng B117, có thể đã xuất hiện ở tây nam nước Anh vào tháng 9 năm ngoái, hiện đã được phát hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp, Mỹ và Ấn Độ.
Một biến chủng khác, mang tên là 501.V2, được phát hiện ở Nam Phi hồi tháng 10, cũng đã lây lan ra một số quốc gia, trong đó có cả Anh và Pháp.
Cả 2 biến chủng trên đều có một số thay đổi trong virus SARS-CoV-2, đáng chú ý nhất là sự thay đổi ở protein gai của virus, vốn là chìa khóa để virus xâm nhập vào các tế bào con người và giúp nó lây lan.
Đặc biệt, biến thể N501Y đã làm thay đổi miền liên kết thụ thể, nằm ở protein gai của virus và cho phép nó dễ dàng liên kết với thụ thể ACE2 trong tế bào con người hơn. Điều đó khiến cho các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng khác.
Trung tâm Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong khi "vẫn chưa có mối liên hệ rõ ràng" giữa việc tăng cường khả năng liên kết với ACE2 và khả năng lây nhiễm, thì "sự tồn tại của mối liên kết này là có thể xảy ra".
Biến chủng mới dễ lây nhiễm hơn
Trên thực tế, mặc dù vẫn chưa được các nhà khoa học khác đánh giá song các nghiên cứu gần đây đều kết luận rằng, biến chủng SARS-CoV-2 ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến chủng khác.
Ủy ban chuyên gia NERVTAG chuyên cố vấn cho chính phủ Anh về kiểm soát dịch bệnh đã ước tính, biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn từ 50 - 70%.
Một đội ngũ tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (LSHTM) thì cho rằng khả năng lây nhiễm của biến chủng SARS-CoV-2 ở Anh tăng từ 50 - 74%.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu thuộc Cao đẳng Hoàng gia London đã công bố kết quả từ một nghiên cứu về hàng nghìn trình tự gen virus SARS-Cov-2 được tìm thấy ở Anh từ tháng 10 - 12.
Họ phát hiện ra rằng, biến chủng mới "có lợi thế lây nhiễm đáng kể" với hệ số lây nhiễm cao hơn từ 0,4 - 0,7 so với virus chưa biến chủng.
Những nghiên cứu sơ bộ về biến chủng ở Nam Phi cũng kết luận rằng, chủng virus này có khả năng lây nhiễm cao hơn virus SARS-Cov-2 thông thường.
Mặc dù dữ liệu ban đầu dường như xác nhận rằng 2 biến chủng mới chỉ có khả năng lây nhiễm cao hơn song các chuyên gia vẫn hối thúc mọi người nên thận trọng.
Bruno Coignard, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Sante Publique France (Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia) của Pháp nhận định với AFP rằng sự lan rộng biến chủng mới ở Anh xuất phát từ sự kết hợp của một số nguyên nhân.
"Những điều này gây nên mối lo ngại về các đặc điểm của virus, đồng thời đặt ra yêu cầu cần thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh phù hợp", chuyên gia này cho hay.
Biến chủng mới có nguy hiểm hơn?
Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 mạnh hơn virus thông thường. Tuy nhiên, chỉ riêng khả năng lây nhiễm gia tăng cũng đã gây nên vấn đề lớn khi làm gia tăng số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện.
"Khả năng lây nhiễm gia tăng cuối cùng sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và ngay cả khi có cùng tỷ lệ tử vong thì điều này vẫn gây sức ép đáng kể với các hệ thống y tế", chuyên gia Coignard cho hay.
Adam Kucharski, một nhà dịch tễ học tại LSHTM cho biết, một virus có khả năng lây nhiễm tăng 50% sẽ "gây nên vấn đề lớn hơn nhiều" so với virus có tỷ lệ tử vong tăng 50%.
Trong một loạt tweet, chuyên gia này cho biết, một dịch bệnh như Covid-19 với hệ số lây nhiễm là 1,1 - tức là trung bình mỗi bệnh nhân sẽ lây nhiễm cho 1,1 người khác và tỷ lệ tử vong là 0,8% sẽ gây ra 129 ca tử vong trong 1 tháng.
Nếu tỷ lệ tử vong tăng 50%, số người chết sẽ tăng lên là 193 ca. Tuy nhiên, nếu số ca mắc gia tăng theo cấp số nhân với một biến chủng dễ lây nhiễm hơn, một dịch bệnh với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn 50% sẽ chứng kiến số ca tử vong là 978.
Arnaud Fontanet, một nhà dịch tễ tại hội đồng khoa học Pháp đã thừa nhận hôm 4/1 rằng, biến chủng mới ở Anh "hiện nay vô cùng đáng lo ngại".
Các nghiên cứu sơ bộ cũng kết luận rằng, biến chủng ở Anh có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn đáng kể ở những người trẻ, một thực tế làm dấy lên câu hỏi liệu nên hay không nên mở cửa trường học.
Nghiên cứu của LSHTM cũng kết luận, việc phong tỏa tương tự như những gì chứng kiến ở Anh vào tháng 11 là chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng SARS-Cov-2 trừ khi "các trường tiểu học, trung học và đại học đều đóng cửa".
Liệu vaccine có hiệu quả chống lại biến chủng mới?
ECDC cho biết hiện còn quá sớm để biết liệu các biến chủng mới có tác động đến tính hiệu quả của vaccine hay không. Tuần trước, chuyên gia Henry Walke từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ nhận định với báo giới rằng, "các chuyên gia tin là các loại vaccine hiện nay của chúng ta sẽ hiệu quả trong việc chống lại các chủng virus này".
Tuy nhiên, ngày 4/1, Francois Balloux, giáo sư tại Viện Gen thuộc University College London nhận định, biến chủng ở Nam Phi "giúp virus này vượt qua cơ chế bảo vệ hệ miễn dịch ở những người đã mắc bệnh từ trước hoặc đã được tiêm vaccine".
Nhà phát triển vaccine BioNTech cho biết nếu cần thiết, công ty này có thể phát triển loại vaccine mới có hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng trên trong vòng 6 tuần.
Chúng ta có thể làm gì?
Chuyên gia Coignard cho biết hiện không thể xóa sổ hoàn toàn biến chủng mới của SARS-CoV-2 mặc dù mục tiêu của các nhà ra chính sách là "trì hoãn tối đa" sự lây lan của chúng.
ECDC cho hay, tại một số quốc gia hiện chưa bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới, "những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan nên được thực hiện giống như những nơi này đã làm trong suốt giai đoạn đầu của đại dịch".
Những biện pháp được khuyến cáo gồm có xét nghiệm, cách ly những người mới đến, theo dõi tiếp xúc và hạn chế đi lại./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) - Ngày 6/1/2021