Cập nhật: 22/01/2021 08:02:00
Xem cỡ chữ

Thường ngày, ai cũng từng bị căng thẳng. Nhiều người chế ngự được các căng thẳng đó để đưa cuộc sống trở lại cân bằng. Nhưng cũng có thể căng thẳng dồn nén và trở thành mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Căng thẳng là một phản ứng của cơ thể khi đối diện với các tình huống quá tải với sức chịu đựng của mình. Căng thẳng cũng tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, có thể là do căng thẳng áp lực về công việc, áp lực về học tập hoặc áp lực khi nuôi dạy trẻ. Căng thẳng có thể tác động đến mọi lứa tuổi từ trẻ em, người trưởng thành đến người cao tuổi. Tuy tác động theo những cách thức khác nhau, nhưng căng thẳng tâm lý đều có một điểm chung là gây nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Các triệu chứng căng thẳng

Có 2 trạng thái là căng thẳng cấp tính và căng thẳng mạn tính

Căng thẳng cấp tính: Căng thẳng có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, trong điều kiện bình thường thì đa số sẽ không có triệu chứng. Nhưng trong một số tình huống thì có thể bạn sẽ cảm thấy hồi hộp, nôn nao và đôi khi lòng bàn tay đổ mồ hôi. Những tác nhân gây căng thẳng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và là cách tích cực để giúp bạn vượt qua tình huống khó khăn.

Căng thẳng mạn tính: Nếu bạn xuất hiện tình trạng căng thẳng kéo dài quá lâu, nó có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn. Đặc biệt là khi căng thẳng trở thành mạn tính, thì cơn stress như là phản xạ của cơ thể, sẽ gây nhiều phiền toái cho sức khỏe. Bạn cần nhận biết những dấu hiệu của tình trạng căng thẳng mạn tính để đề phòng.

Tác động thể chất của căng thẳng mạn tính bao gồm những triệu chứng như: Bạn cảm thấy không thể hoàn thành công việc, lo lắng, bồn chồn, thiếu động lực, cáu gắt, buồn bã hoặc trầm cảm; Đau đầu, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, đau hoặc căng cơ, vấn đề tiêu hóa, thay đổi ham muốn tình dục, tăng huyết áp.

Các dấu hiệu của căng thẳng quá mức gồm: Cảm thấy hoảng loạn, lúc nào cũng lo lắng, cảm thấy bạn luôn phải chịu áp lực, uống rượu hoặc dùng ma túy để giải quyết căng thẳng của bạn, ăn quá nhiều, hút thuốc, phiền muộn, xa rời gia đình và bạn bè.

Căng thẳng thường xuyên sẽ gây nhiều bất lợi cho cơ thể.

Căng thẳng thường xuyên sẽ gây nhiều bất lợi cho cơ thể.

Ảnh hưởng của căng thẳng đến sức khỏe

Trường hợp thường xuyên bị căng thẳng, bạn có thể có các triệu chứng về thể chất như: Đau đầu, đau bụng, tăng huyết áp, đau ngực, các vấn đề về tình dục và giấc ngủ. Căng thẳng cũng có thể dẫn đến các vấn đề về cảm xúc, trầm cảm, các cơn hoảng loạn hoặc các dạng lo lắng và hồi hộp khác.

Khi bị stress, các tín hiệu dẫn truyền thần kinh thông qua dây thần kinh phế vị tác động mạnh mẽ đến hoạt động của dạ dày, gây viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản. Đồng thời, stress ảnh hưởng đến hoạt động của đường ruột, làm mất cân bằng hệ khuẩn chí đường ruột, gây ra một số bệnh như: Hội chứng ruột kích thích, viêm ruột với những biểu hiện như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đi cầu nhiều lần, khó tiêu...

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần do tác động của căng thẳng như: trầm cảm, lo âu và rối loạn cảm xúc và hành vi. Các biểu hiện về bệnh tim mạch, bao gồm bệnh tim, tăng huyết áp, nhịp tim bất thường, đau tim và đột quỵ cũng dễ xảy ra. Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến béo phì, thừa cân và các rối loạn ăn uống khác. Rối loạn chức năng tình dục như: bất lực và xuất tinh sớm ở nam giới và mất ham muốn tình dục ở cả nam và nữ... cũng là nguy cơ do căng thẳng gây ra. Các vấn đề về da và tóc như: mụn trứng cá, bệnh vẩy nến và bệnh chàm, rụng tóc vĩnh viễn cũng dễ xảy ra.

Mách bạn cách vượt qua căng thẳng

Khi bạn không thể kiểm soát được căng thẳng thì cách tốt nhất là bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để bác sĩ hướng dẫn bạn thực hiện những thay đổi có lợi cho cơ thể và tâm trí. Ngoài ra bạn cũng nên chủ động thực hiện một vài biện pháp để chế ngự căng thẳng như: Giữ một thái độ tích cực và đón nhận mọi chuyện xảy ra một cách bình thản nhất có thể. Hãy tự tin và khẳng định cảm xúc, ý kiến hoặc niềm tin của bạn thay vì trở nên tức giận, né tránh hoặc thụ động, phản ứng thái quá. Học cách quản lý thời gian của bạn hiệu quả hơn. Ăn các bữa ăn cân bằng và lành mạnh. Học và thực hành các kỹ năng thư giãn; thử thiền, yoga hoặc thái cực quyền để kiểm soát căng thẳng. Tập thể dục thường xuyên. Cơ thể của bạn có thể chống lại căng thẳng tốt hơn khi tập luyện phù hợp. Dành thời gian cho sở thích, thú vui và thư giãn. Hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích.

Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 21/01/2021

https://suckhoedoisong.vn/anh-huong-lau-dai-cua-cang-thang-toi-suc-khoe-n185444.html