Cập nhật: 03/02/2021 16:33:00
Xem cỡ chữ

Mặc dù các cấp, các ngành, đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề xây dựng ý thức tham gia giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ vẫn diễn biến khá phức tạp. Sự thiếu ý thức của các em trong việc chấp hành luật giao thông không chỉ gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Ngoài việc thường xuyên mắc các lỗi như: Điều khiển xe mô tô, xe máy điện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ và đi dàn hàng ngang trên đường… Thì một trong những vi phạm được xem là vấn đề khá nan giải hiện nay, đó là tình trạng các em sử dụng mô tô phân khối lớn khi chưa có giấy phép lái xe.

Luật Giao thông đường bộ quy định, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối. Đối với học sinh chưa đủ 18 tuổi, chưa thể qua các lớp sát hạch, nên không đủ điều kiện được cấp giấy phép lái xe. Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và người giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe mô tô tham gia giao thông thì sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số phụ huynh vẫn giao xe máy trên 50 phân khối cho con mình đi học.

Không chỉ như vậy mà thời gian gần đây còn xảy ra tình trạng thanh thiếu niên thường xuyên có các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, tín hiệu giao thông, chạy xe thành đoàn, “lạng lách,” “đánh võng”; điều khiển môtô, xe máy không mang biển kiểm soát, xe đã được “độ chế,” thay đổi thiết kế trái phép…điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mà còn gây bức xúc trong Nhân dân. Trước thực trạng trên, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các trường học về ATGT, lực lượng chức năng đã chú trọng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Để kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn, chấn chỉnh tình trạng vi phạm Luật Giao thông trong thanh, thiếu niên, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, cảnh báo hậu quả, hệ lụy của TNGT, các nguyên nhân trực tiếp gây TNGT cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; Tổ chức cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong các trường học ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ và sẽ xử lý nghiêm khi học sinh vi phạm.

Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, gia đình và toàn xã hội, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên, qua đó hạn chế được số vụ TNGT gây ra từ thanh thiếu niên. Có như vậy mới xây dựng môi trường giao thông Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng ngày càng an toàn, thân thiện hơn, góp phần thực hiện mục tiêu mỗi năm giảm từ 5- 10% các tiêu chí về TNGT./.

Trường Giang