Đặt chân đến mảnh đất Than Uyên (Lai Châu), du khách không chỉ được hòa mình vào điệu xòe bất tận, ẩm thực riêng biệt, mà còn được thưởng thức một loại hình nghệ thuật đặc sắc lễ hội Hạn Khuống.
Trên sàn Hạn Khuống, các cô gái sẽ quay tơ, đẹp sợi... để thu hút các chàng trai trong bản và nơi khác đến tham gia Hạn Khuống. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Đặt chân đến mảnh đất Than Uyên (Lai Châu), du khách không chỉ được hòa mình vào điệu xòe bất tận, ẩm thực riêng biệt, mà còn được thưởng thức một loại hình nghệ thuật đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của đồng bào dân tộc Thái đen.
Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống
Đồng bào Thái đen ở Than Uyên từ xưa đã tồn tại một hình thức lễ hội Hạn Khuống hết sức độc đáo, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Hạn Khuống là nơi vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, là nơi để mọi người thỏa sức sáng tạo, trổ tài, đồng thời, là nơi để các tràng trai, cô gái trao đổi tâm tình, yêu nhau để rồi kết tóc, se duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Ông Lò Văn Sơi, nghệ nhân dân tộc Thái huyện Than Uyên cho biết: Hàng năm, vào tháng 8-9 âm lịch, khi mùa màng đã thu hái xong, cây bông nở hoa, con tằm cho tơ thì các chàng trai, cô gái Thái đen gọi nhau bàn bạc làm Hạn Khuống. Hạn Khuống nghĩa đen tiếng Thái là “sàn sân” tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân. Cái sàn này có hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1-1,5 mét, mặt sàn có diện tích từ 16-24m2 và sàn lát bằng dát tre hoặc phên nứa, xung quanh thưng bằng chấn song đan hình mắt cáo.
Trên sàn Hạn Khuống có đặt một bếp lửa ở vị trí trung tâm và có 5 cây tre hoặc hóp thẳng, dóc sạch cành, chỉ để lại ít lá trên ngọn gọi là lắc xáy, nhìn giống như cây nêu ngày tết của người Việt. Trong 5 cây có một cây cao hơn, to và đẹp nhất gọi là cây lắc xáy cốc do cô tổn khuống cốc làm chủ được dựng ở vị trí trung tâm, sát với bếp lửa, tượng trưng cho trụ của đất trời. 4 cây còn lại dựng ở bốn góc sàn do các cô sao tổn khuống làm chủ tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.
Khi sàn Hạn Khuống được dựng xong, đồng bào Thái đen lại chuẩn bị các lễ vật như hoa, quả, thịt lợn, gà, rượu... để cúng thần linh, thổ công, thổ địa và các ma phù hộ cho sinh hoạt Hạn Khuống được thuận lợi, bình an, tốt đẹp. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, ông mo, già làng, trưởng bản, được các thanh niên mời lên làm các thủ tục cho một Hạn Khuống cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu hòa thuận và sinh sôi nảy nở.
Nghi lễ được thực hiện xong, già làng, trưởng bản sẽ dặn dò các thanh niên đến chơi Hạn Khuống cần giữ gìn phong tục tốt đẹp của dân tộc. Thanh niên trai gái đến Hạn Khuống không được nói tục, chửi bậy; người say rượu hay nói xằng bậy không được lên chơi Hạn Khuống; trai đã có vợ không được chơi khuya vì vợ chồng bất hòa, gia đình không được hạnh phúc, bản làng không yên vui.
Sau phần lễ cúng, ngọn lửa Hạn Khuống cháy sáng rực, cây lắc xáy lung linh nhiều màu sắc, đêm hội chính thức được bắt đầu. Số lượng trai gái tham gia Hạn Khuống không giới hạn, ngoài con trai trong bản thì còn có thanh niên về chơi cùng.
Đến Hạn Khuống, con trai muốn lên chơi phải hát xin thang, hai bên hát đối đáp khi nào sao tổn khuống cho lên và đặt thang thì mới được lên. Trai hát xin thang: “Chúng tôi từ xa nhìn thấy lửa/ Nhìn thấy lửa muốn được chơi áo/ Ở xa nhìn thấy nước/ Nhìn thấy áo chàm đen mong được ướm thử/ Nhìn thấy người má hồng lòng muốn được hỏi thăm/ Nhìn thấy rồi mắt càng muốn liếc/ Nhìn thấy hạn khuống rực rỡ anh muốn lên chơi.”
Khi đã được lên sàn thì cuộc vui văn nghệ bắt đầu và diễn ra đến tàn đêm. Lúc này, nhiệm vụ của các chàng trai là phải hát thể hiện tài năng của mình để xin được ghế ngồi, xin điếu hút thuốc, xin nước để uống. Việc cho ghế hay không cho ghế, cho điếu hay không cho điếu của các cô gái cũng thể hiện bằng những lời hát thể hiện sự dịu dàng, khéo léo của mình trước các chàng trai.
Trên sàn Hạn Khuống, trai gái đua tài bằng những tiết mục đối đáp văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Họ cứ hát như thế để thử thách nhau cho đến khi bên gái chấp nhận cho mượn ghế ngồi, mượn điếu hút và cho nước để uống thì các chàng trai mới tìm đến người con gái mà mình thích. Từng cặp nam nữ ngồi sát bên nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, qua tiếng đàn, tiếng sáo, qua tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ, đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình… Khung cảnh đó gợi cho người xem ý tưởng về một gia đình ấm êm, tràn đầy hạnh phúc trong tương lai của các đôi trai gái.
Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng bịn rịn, tình tứ, thế nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Họ trao nhau những lời hát chia tay về nghỉ và không quên dặn dò mùa sau gặp lại, hứa hẹn những ngày Hạn Khuống ý nghĩa hơn. Những đôi trai gái nào phải lòng nhau thì hẹn hò, tìm hiểu để đi đến hôn nhân kết tóc se tơ hạnh phúc.
Bảo tồn giá trị văn hóa
Nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn Khuống có vị trí quan trọng trong văn hóa cộng đồng người Thái. Thông qua sân chơi Hạn Khuống cho thấy được phần nào đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của tộc người Thái đen.
Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc ở huyện Than Uyên cho hay: Hạn Khuống là một hình thức văn hóa đặc sắc của người Thái mang tính nguyên hợp. Ở đây có cả sân khấu, âm nhạc và ca hát cùng đạo cụ kèm theo, đặc biệt là sân khấu được dựng ngoài trời.
Cùng đó, thể hiện giá trị giáo dục đối với đời sống cộng đồng, thông qua các hoạt động diễn ra trong Hạn Khuống, những người cao tuổi, người có chức sắc răn dạy thế hệ trẻ về cách sống, cách ứng xử tốt đẹp, biết nhường nhịn, biết coi trọng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Vì vậy, Hạn Khuống cần được phục dựng, bảo tồn, duy trì trong cộng đồng.
Nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa trong lễ Hạn Khuống, những năm qua, huyện Than Uyên đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn xây dựng đội văn nghệ bản. Ðồng thời, hỗ trợ khôi phục, dàn dựng các điệu múa truyền thống dân tộc Thái; bảo tồn và phát huy một số loại hình dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao lồng ghép các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn...
Mặt khác, tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy những bài hát cho tất cả các xã, thị trấn và đưa nghệ thuật trình diễn Hạn Khuống vào phục vụ những hoạt động văn hóa du lịch của huyện Than Uyên.
Bà Hoàng Thị Liễu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên cho biết: Thời gian qua, huyện Than Uyên luôn quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có lễ hội Hạn Khuống.
Trai gái cùng giao duyên trong lễ hội là nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái ở huyện Than Uyên. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên huyện Than Uyên tổ chức phục dựng lễ hội Hạn Khuống trong dịp đầu xuân năm mới. Qua sự kiện này nhằm giới thiệu nét độc đáo của Hạn Khuống đến du khách gần xa, mặt khác nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì lễ hội này thường niên trong các dịp lễ, tết hàng năm; khuyến khích người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các nét văn hoá đặc sắc của người Thái cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.
Theo Việt Hoàng-Đinh Thùy (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dac-sac-le-hoi-han-khuong-cua-nguoi-thai-den-o-than-uyen/687607.vnp