Cập nhật: 05/03/2021 10:35:00
Xem cỡ chữ

Dù cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ, nhưng tình trạng “livestream” bán hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử vẫn tràn ngập, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Với sự nở rộ của mô hình bán hàng qua mạng, các bà nội trợ chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể đặt mua thực phẩm cho bữa ăn gia đình và sẽ được giao hàng tận nơi. Mua bán online có sức hút rất lớn, nhưng rủi ro thì khôn lường.

Từ các loại thực phẩm tươi sống đến đồ ăn chín, thậm chí là hàng nhập ngoại như ba chỉ bò Mỹ, thăn bò Kobe, cá hồi, cá ngừ đại dương... tất cả đều được giao bán trên mạng xã hội như Zalo, Facebook. Không khó để bắt gặp các thông tin, hình ảnh quảng cáo khá bắt mắt, hấp dẫn kèm theo những cam kết “chắc nịch” về độ sạch của sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần bình luận hoặc gọi điện thoại, hàng sẽ được giao tận nhà.

Phải thừa nhận rằng mua thực phẩm trên mạng có những ưu điểm là không mất nhiều thời gian, không mất công chế biến. Thế nhưng hình thức mua hàng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, bởi hầu hết các cơ sở bán thực phẩm qua mạng đều là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình . Do vậy, nhiều khách hàng không tin tưởng vào hình thức kinh doanh trên mạng.

Việc mua, bán thực phẩm qua mạng chủ yếu dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua theo kiểu "thuận mua, vừa bán", sẽ khó có sự ràng buộc nếu chất lượng sản phẩm không như người mua mong muốn. Việc lựa chọn hình thức mua hàng như thế nào là do nhu cầu của mỗi người, tuy nhiên, người tiêu dùng nên cân nhắc hơn trong mua sắm, lựa chọn thực phẩm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình./.

Kim Liên