Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tài nguyên rừng đối với các hoạt động phát triển KT - XH và bảo vệ môi trường sinh thái, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ; đồng thời chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trang trại lâm nghiệp, trang trại đồi rừng nhằm khai thác tối đa các nguồn lợi từ rừng, từng bước nâng cao độ che phủ rừng.
Xác định lâm nghiệp là một trong những hướng đi chủ đạo để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Quế, huyện Sông Lô luôn quan tâm, xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng, tạo thu nhập và cuộc sống ổn định cho người dân. Hiện nay, tất cả diện tích rừng do Nhân dân trồng ở xã Đồng Quế đều phát triển tốt, cho khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế khá. Mỗi năm, toàn xã trồng mới được hàng chục ha đất lâm nghiệp, nhờ vậy độ che phủ rừng đến nay đạt gần 80%.
Là địa bàn có diện tích đất rừng lớn với gần 4.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Quế, Quang Yên, Lãng Công, trong khi lực lượng chuyên trách còn ít, song những năm qua, với nỗ lực của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, trên địa bàn huyện Sông Lô không xảy ra cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Để có được kết quả đó là nhờ công tác bảo vệ rừng được các cấp chính quyền chú trọng, quan tâm. Với vai trò nòng cốt, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô bám sát địa bàn được phân công; kiểm tra, xác minh cụ thể cho từng lô rừng mà chủ rừng làm đơn xin khai thác để cập nhật vào sổ theo dõi và khoanh vẽ trên bản đồ diễn biến để báo cáo cấp trên theo quy định.
Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng./.
Đặng Thưởng