Cập nhật: 17/02/2025 14:34:00
Xem cỡ chữ

Đền Cửa Ông tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100m nhìn ra vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh, có sự hòa quyện giữa núi non, biển tạo nên cảnh quan hữu tình, hùng tráng nhưng cũng đầy trang nghiêm.

Đền Cửa Ông. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Đền Cửa Ông. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, khoảng từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, đền Cửa Ông (tỉnh Quảng Ninh) lại thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) - người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Với tài thao lược của mình, khi làm vị trấn thủ giữ bến cảng Cửa Suốt, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đã giữ vững yên vùng đất này, ngăn những mưu mô xâm lấn của giặc Nguyên, bởi vậy người dân ở đây đã tôn kính gọi ông là Đức Ông.

vnp-1702-den-cua-ong-2.jpg

Đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) - người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. (Ảnh; Hồng Hạnh/Vietnam+)

Người dân nơi đây vẫn lưu truyền sự tích Đền Cửa Ông về Đức Ông Đệ Tam, vị thần được tôn kính bậc nhất nơi đây.

“Chuyện kể rằng, có lần tại biển Cửa Suốt, tự nhiên trời mưa to gió lớn sấm sét nổi lên ầm ầm. Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng trong lúc đi tuần trên biển, thấy có một phiến đá to nổi lên. Ông ngang nhiên liền ngồi lên trên đá. Sóng nổi cuồn cuộn, mực nước dâng lên cao nhưng phiến đá vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông đi, đè đầu những ngọn sóng. Đến khi gió yên, biển lặng, dân chúng không thấy ông đâu nữa mà chỉ thấy trên phiến đá có một cái mũ. Người dân liền rước về thờ, lập miếu và tâu lên triều đình. Ngày đó là ngày 16 tháng 8 năm 1311, nên từ đó ngày này được xem là ngày hóa của ông.”

Nhà vua phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần, được xem là vị chủ thần ở Đền Cửa Ông.

Trong đền có tượng ông và đôi câu đối ngợi ca công đức:

“Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc
Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam”

Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100m nhìn xuống vịnh Bái Tử Long, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ,” sau lưng là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương. Nơi đây có sự hòa quyện giữa núi non, rừng, biển tạo nên cảnh quan hữu tình, hùng tráng nhưng cũng đầy trang nghiêm, tĩnh mịch.

vnp-1702-den-cua-ong-3.jpg

Đền Cửa Ông được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Đền Cửa Ông được chia làm 3 khu vực thờ chính nằm lần lượt từ chân núi lên: Đền Hạ, Đền Trung, đền Thượng cùng với nhiều công trình khác.

Chất liệu dựng đền được sử dụng từ các loại vật liệu như đá đúc, gạch Bát Tràng, ngói mũi đất nung, vữa hồ pha mật. Những họa tiết trang trí trong đền dựa trên các điển tích về tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng.

Đặc biệt Đền Cửa Ông còn sở hữu nhiều pho tượng có niên đại hàng trăm năm. Trong đó có 34 pho tượng lớn nhỏ được chạm trổ công phu, tinh xảo trong tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình mang nhiều giá trị nghệ thuật cao.

Ở vị trí cao nhất trong quần thể di tích Đền Cửa Ông là pho tượng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cao 10m, nặng 40 tấn.

vnp-1702-den-cua-ong-4.jpg

Đền Cửa Ông sở hữu nhiều pho tượng có niên đại hàng trăm năm, được chạm trổ công phu, tinh xảo. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Đền Cửa Ông được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2017.

Cách đền Cửa Ông khoảng 2km là đền Cặp Tiên (còn gọi là đền Cô Bé Cửa Suốt) thuộc quần thể di tích đền Cửa Ông, tương truyền thờ vị tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng. Ngôi đền này có vị trí đắc địa, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, tạo nên một không gian yên tĩnh, thơ mộng, linh thiêng.

Điều đáng nói, khi thủy triều lên, dù giếng có bị ngập mặn nhưng ngay sau đó lại ngọt trở lại và quanh năm không bao giờ cạn nước. Tương truyền, nếu ai dùng nước giếng Tiên sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Chính vì thế, khi đến tham quan khu di tích này, du khách thường không bỏ qua cơ hội dừng chân ghé vào giếng Tiên lấy nước để rửa mặt và mang về để cầu may.

Lễ hội Đền Cửa Ông được công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia vào năm 2016. Đây là một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tổ chức hàng năm vào ngày 3-4 tháng 2 âm lịch và ngày 3-4/8 âm lịch.

Lễ hội nhằm tái hiện lịch sử, tôn vinh công lao to lớn của các bậc hiền thánh, những người có công với nhiều nghi lễ uy nghiêm, trang trọng.

Phần lễ bắt đầu là lễ dâng hương, sau đó là lễ rước bài vị Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng từ đền Cửa Ông ra miếu vườn Nhãn - tương truyền là nơi Đức Ông trôi dạt vào và hóa thần. Sau đó lễ rước đi dọc đường Nghinh Thần, sau đó quay về sân Đền nơi tổ chức lễ hội. Lễ rước bài vị có ý nghĩa mô phỏng những cuộc du tuần bảo vệ bờ cõi vùng biển Đông Bắc của Hưng Nhượng Vương.

Bên cạnh đó, phần hội đền Cửa Ông thu hút người dân và du khách với nhiều hoạt động văn hóa như múa rồng, múa lân, thi bày mâm ngũ quả, các trò chơi dân gian như cờ bỏi, bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy.

vnp-1702-den-cua-ong-5.jpg

Ngôi đền nằm trên đồi cao gần 100m, nhìn ra vịnh Bái Tử Long là điểm đến tâm linh thu hút đông du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Lễ hội Đền Cửa Ông có giá trị lớn trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục và gắn kết cộng đồng; nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là điểm đến thu hút khách du lịch.

Để phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Đền Cửa Ông, nhiều năm qua, Di tích lịch sử đền Cửa Ông đã được tỉnh Quảng Ninh, thành phố Cẩm Phả quan tâm đầu tư để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

Kế hoạch tôn tạo đền Cửa Ông được thực hiện với trình tự chia ra theo các nhóm dự án, gồm nhóm giải pháp bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa vật thể; nhóm dự án tôn tạo cảnh quan môi trường; nhóm đào tạo nguồn nhân lực, quản lý và thông tin quảng bá, phát huy giá trị di tích; nhóm quy hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở; nhóm dự án thực hiện các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho các hoạt động du lịch./.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-den-cua-ong-linh-thieng-hon-700-nam-tuoi-ben-vinh-bai-tu-long-post1012691.vnp