Cập nhật: 19/03/2021 10:41:00
Xem cỡ chữ

Tiện lợi và nhanh chóng, hình thức kinh doanh trên các sàn Thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay cũng vì thế mà được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cũng từ đây, chính các sàn đã được cấp phép hoạt động cũng tồn tại nhiều “lỗ hổng”, các cơ sở kinh doanh lợi dụng chính sự buông lỏng trong kiểm soát của các sàn TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, đem lại nhiều rủi ro cho khách hàng.

Chỉ cần gõ từ khóa một sản phẩm bất kì trên sàn TMĐT shopee, bạn sẽ nhận được hàng chục đến hàng trăm kết quả tìm kiếm, cùng một loại dầu gội có cùng trọng lượng nhưng lại với vô vàn các mức giá chênh lệch khác nhau, nhìn vào bảng giá biến thiên của sản phẩm, sẽ dễ dàng thấy và đặt ra câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm được giao bán này. Không chỉ với hàng tiêu dùng, mà ngay cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng được đăng bán tràn lan, thử gõ từ khóa “Túi LV”, kết quả nhận được có 40/45 sản phẩm ở trang đầu tiên có mức giá dưới 400 ngàn đồng, một mức giá khó tin với một sản phẩm thuộc hàng hãng nổi tiếng thế giới.

Đặc thù công việc khá bận rộn nên chị Nguyệt Ánh ở thành phố Hà Nội thường xuyên phải đặt mua hàng trên mạng, đặc biệt là thông qua các trang TMĐT lớn như shopee, lazada, tiki,…Phần vì thuận tiện, lại tâm lý ham rẻ nên chị Ánh thường chọn mua quần áo, túi xách của những thương hiệu nổi tiếng được quảng cáo bắt mắt trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, việc lựa chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng như hình ảnh, lại vừa túi tiền chẳng hề dễ dàng chút nào.

Trên thực tế, hiện nay các sàn TMĐT vô hình trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho nhiều cơ sở kinh doanh bày bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có yếu tố làm nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ. Người mua hàng thì đành ngậm đắng nuốt cay, còn với Công ty phải trăn trở tìm giải pháp để sản phẩm của mình sản xuất ra không bị làm nhái trên thị trường.

Đa số các sàn TMĐT đều không yêu cầu đăng tải rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hay quy định chất lượng của sản phẩm, thông tin về người bán cũng không rõ ràng, dẫn đến khó có thể kiểm soát, công tác điều tra, phát hiện vi phạm của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Hình thức mua bán các sản phẩm thông qua các sàn TMĐT phát triển cũng là cơ hội để hàng giả hàng nhái len lỏi, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng có các biện pháp quản lý việc mua bán qua sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trước khi đặt niềm tin vào sản phẩm nào đó khi được chào bán trên sàn thương mại điện tử để tránh tiền mất tật mang. Làm được như vậy cũng chính là góp phần đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái, không còn mảnh đất màu mỡ đề tồn tại./.

Phương Anh