Cập nhật: 22/03/2021 10:36:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Tường là địa phương có đàn bò sữa lớn nhất tỉnh, với thu nhập cao, con bò sữa đã thực sự trở thành đầu cơ nghiệp của người dân địa phương. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sữa, không gây ô nhiễm môi trường, lại là vấn đề cần bàn, bởi đây không chỉ là hiệu quả kinh tế và chuyện làm giàu, mà còn là tiêu chí quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.

Bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2010, đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Trại Trì, xã Vĩnh Thịnh có 10 con bò sữa, trong đó có 5 con đang cho sữa. Với một số lượng đàn bò không nhỏ nhưng tổng diện tích chăn nuôi là nhà ở của gia đình chỉ có hơn 120m2. Cùng với những lợi ích về kinh tế thì việc chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư đang đặt ra nhiều gánh nặng cho việc mở rộng đàn bò, phát triển sản xuất và vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của gia đình.

Hiện nay, toàn xã Vĩnh Thịnh có hơn 9,000 con bò sữa và 1.000 con bò thịt. Theo tính toán, lượng chất thải xả ra môi trường mỗi ngày khoảng 260 tấn, cùng với khối lượng lớn nước thải vệ sinh chuồng trại được xả thẳng xuống cống rãnh, các ao hồ và hệ thống mương tiêu khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương ngày càng nghiêm trọng. Với mục tiêu: Xây dựng các khu chăn nuôi bò sữa tập trung ra ngoài khu dân cư phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, Vĩnh Tường đã chọn xã Vĩnh Thịnh và xã Bình Dương để triển khai thực hiện Đề án chăn nuôi bò sữa phát triển ra ngoài khu dân cư. Song cho đến nay, có rất ít hộ chăn nuôi bò sữa ra sản xuất tại khu quy hoạch.

Hiện nay huyện Vĩnh Tường có hơn 1.370 hộ nuôi bò sữa tại 12 xã, với tổng đàn gần 12.600 con, chiếm hơn 90% tổng đàn bò sữa của toàn tỉnh, tập trung tại các xã An Tường, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chăn nuôi của huyện đang phát triển nóng, thiếu quy hoạch; đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đời sống của Nhân dân. Để khắc phục những tồn tại trên, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn hiệu quả, bền vững gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường sống trong khu dân cư, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2020 - 2025” với những mục tiêu cụ thể trong 5 năm tới là xây dựng 16 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, trong đó có 6 khu chăn nuôi bò sữa.

Là một trong những hộ tiên phong đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư, gia đình gia đình ông Nguyễn Duy Quân, ở thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh đã có điều kiện mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những vậy, việc chăn nuôi cách xa khu dân cư đã giải quyết đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường từ nuôi bò sữa.

Lợi ích và hiệu quả nhiều mặt của chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư bước đầu cho những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương trên, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, rất cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và sự quyết tâm của mọi người dân trong huyện để chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.

Đặng Thưởng